Archive for the ‘Phép báp-têm cứu rỗi’ Category

Phép Báp-têm Cứu Rỗi (1 Phi-e-rơ 3:18-22)

HTTL Việt Nam Juan Korea – Chúa nhật, 16/6/2013

SL

Phép Báp-têm Cứu Rỗi

1 Phierơ 3:18-22

Trước khi khởi hành chức vụ 3 năm, Chúa Jêsus đến tại dòng sông Giôđanh và chịu phép báptêm bằng nước của Giăng Báptít (Mathiơ 3:13). Phép báptêm của Giăng Báptít mang ý nghĩa là sự ăn năn tội lỗi(Mathiơ 3:11).

Phép báptêm ăn năn tội của Giăng chỉ dành cho người có tội. Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời thánh khiết, nhưng làm sao Ngài lại chịu phép báptêm của Giăng? Chúa Jêsus thánh sạch trọn vẹn, dầu 1 tội nhỏ Ngài cũng chưa từng phạm. Nhưng vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, Ngài xuống thế mang hết tội lỗi của mọi người trên chính mình Ngài, và bị coi là kẻ có tội.

Kinh thánh 2 Côrinhtô 5:21 chép như vầy: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”

Êsai 53: 6, 12b chép rằng: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy. Đức Giêhôva đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người. Người đã đổ mạng sống mình cho đến chết. Đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội.”

Kinh thánh dạy rằng Chúa Jêsus đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã trở nên tội lỗi, nhưng không phải vì tội lỗi của chính Ngài, bèn là tội lỗi của mỗi con người từng sống trên mặt đất.

Đó chính là lý do Chúa Jêsus chịu phép báp têm ăn năn của Giăng dành cho những người có tội. Ngài chịu phép báp têm nầy, vì Ngài muốn bày tỏ trước cho mọi người biết rằng Ngài cũng sẽ trở nên người bị kể là kẻ có tội, thuộc hàng kẻ dữ, và Ngài sẽ phải chết để đền tội cho nhân loại.

Chúa Jêsus cũng có lần nói về phép báp têm cứu rỗi của Ngài cho Giăng và Giacơ ở trước mặt các môn đồ khác. Khi hai ông xin Chúa ban cho mình được ngồi bên hữu và bên tả Chúa lúc Ngài được vinh hiển. Chúa Jêsus nói với họ rằng: “Các ngươi không biết điều mình xin. Các ngươi có uống được chén ta uống, và chịu được phép báptêm ta chịu chăng?”(Mác 10:38).

Chính phép báptêm bằng nước của Giăng là hình bóng về phép báptêm cứu rỗi mà Ngài sẽ phải chịu, đó chính là sự chết, sự chôn và sống lại của Ngài 3 năm sau đó.

Con tàu Nôê, phương tiện giải cứu. Phép báptêm của Chúa Jêsus, giải pháp cứu rỗi.

Con người quá gian ác, Đức Chúa Trời có ý định sẽ dùng 1 trận lụt lớn, phủ nước khắp địa cầu để tiêu diệt mọi con người gian ác mà chẳng ăn năn. Ngài bảo ông Nôê đóng 1 chiếc tàu thật to, dài 300 mét, rộng 50 mét và cao 30 mét. Con tàu có 3 tầng, để chứa những người tin Chúa, từ bỏ gian ác, và mọi loại vật đang sống trên mặt đất, từ côn trùng cho đến các loài thú to. Loài thanh sạch thì 7 cặp trống mái, loài không sạch thì 1 cặp.

Đức Chúa Trời cùng dùng Nôê vừa giảng đạo ăn năn, kêu gọi dân sự gian ác ăn năn, quay đầu trở lại với Đức Chúa Trời, ông vừa cùng con mình đóng tàu, trong vòng gần 100 năm như vậy. (Sáng 6:11-22).

Sau gần 100 năm Đức Chúa Trời nhẫn nhục, chờ đợi con người ăn năn tội mình, quay về với Chúa, và khi con tàu đã hoàn tất, Đức Chúa Trời sai gia đình Nôê đem mọi loài và cùng mọi trang bị, thức ăn vào tàu. Đức Chúa Trời đã khiến cơn nước lụt lớn xảy ra 40 ngày đêm, khiến chỉ có gia đình 8 người của Nôê và các loài vật trong tàu còn sống.

Con tàu trở nên vật cứu tinh của gia đình Nôê. Mọi người, mọi vật ngoài tàu đều chết, chỉ có loài người và loài vật trong tàu được sống mà thôi.

Con tàu chính là hình ảnh của Chúa Jêsus, và nước chỉ về sự phán xét, trừng phạt. Con tàu trôi nỗi trong dòng nước xoáy hung dữ. Nước bên trên, và bên dưới, nhưng mọi người, mọi vật trong tàu đều bình an.

Con người thảy đều phạm tội, và thảy đều phải chịu sự phán xét và đoán phạt của Đức Chúa Trời thánh khiết. Đức Chúa Trời yêu nhân loại, Ngài sai Chúa Jêsus xuống thế gian chết thế mọi tội cho nhân loại trên thập tự giá. Kinh thánh nói rằng: Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời”(3:18a).

Ai ăn năn tội mình, tin nhận Ngài thì trở nên người ở trong Ngài. Khi ở trong Ngài, thì không còn có sự đoán phạt nào ở trên người đó. Rôma 8:1 “Cho nên hiện nay, chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Mọi người, mọi vật ngoài tàu đều chết. Cũng vậy, mọi người ở ngoài Chúa Jêsus, tức là người không tin Ngài đều bất an và chết đời đời. Chỉ có người nào tin Chúa, tức ở trong Chúa, như gia đình Nôê ở trong tàu thì đều được bình an và sự sống.

Khi Chúa Jêsus chết để đền tội thay cho từng người. Thể xác của Ngài chịu chết đau đớn trên thập tự, và bị chôn trong phần mộ, nhưng linh hồn Ngài, hay Thần tánh Đức Chúa Trời của Ngài không hề chết. Linh hồn của Ngài đi vào âm phủ, nơi mà các linh hồn của những người bội nghịch, tức là những người không ăn năn tội mình mà trở lại với Đức Chúa Trời, bị giam giữ. Tại đây, Chúa Jêsus giảng cho các linh hồn nầy (3:19-20).

Chúng ta khi qua đời trước kỳ Chúa Jêsus tái lâm, thì thân xác chúng ta sẽ bị chôn vào trong lòng đất, nhưng linh hồn sẽ được đem vào vườn lạc viên (Parađi). Linh hồn con người không ai được tự do đi đến nơi nào mình muốn sau khi họ qua đời(Luca 16). Nhưng vì Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, nên linh hồn của Ngài có quyền đi đến nơi Ngài muốn. Ngài đã xuống âm phủ, để giảng cho những người không được cứu rỗi từng sống trước cơn nước lụt thời Nôê tại đây (3:18b-20).

Chúa Jêsus rao giảng điều gì? Kinh thánh không cho biết. Có phải chăng Ngài đã rao báo cho họ biết lý do mà họ có mặt tại âm phủ, và Ngài cũng nói cho họ biết những gì chép về Ngài đã ứng nghiệm tại thập tự giá. Ngài đã đạp đầu con rắn là Satan, và Satan cắn gót chân Ngài. Ngài chịu đau đớn và chết, rồi Ngài sẽ phục sinh, chiến thắng Satan, sự chết như lời tiên tri đầu tiên trong vườn Êđen (Sáng 3:15). Nhưng chính xác Ngài đã nói điều gì, khi nào gặp Ngài chúng ta sẽ mới có thể biết chính xác.

Chắc chắn Chúa Jêsus không giảng Phúc âm, vì Phúc âm chỉ được giảng cho người còn sống và là đối tượng còn có cơ hội nhận được sự sống đời đời. Những người bị ngục tù trong âm phủ thì hoàn toàn mất cơ hội ăn năn, tin Chúa, nên Ngài không phải rao giảng Tin lành cứu rỗi cho họ.

Câu Kinh thánh cũng không nói Chúa Jêsus giảng cho họ trong khi họ còn sống trên mặt đất qua thông qua ông Nôê. Vì theo phân đoạn Kinh thánh nầy, Chúa Jêsus giảng cho họ khi Ngài chịu chết, chứ không phải là lời rao giảng ở thời ông Nôê.

Đức Chúa Trời muốn mọi người có tội cần phải ăn năn càng sớm càng tốt, khi mà họ còn cơ hội. Cơn nước lụt đã được Nôê loan báo, nhưng giờ phút ào tới của nó thì bất thình lình, con người không tránh né được. Bảy năm đại nạn, âm phủ và địa ngục đã được loan báo. Ngày qua đời của chúng ta và sự tái lâm của Chúa Jêsus cũng đã đề cập đến. Nhưng ngày đó đến khi nào chúng ta không biết, nhưng sẽ là bất thình lình. Chúa Jêsus nói rằng ngày đó sẽ đến thình lình như kẻ trộm, như được ký thuật trong Mathiơ 24:37-39 mà rằng: “Trong đời Nôê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nôê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy. Khi Con người đến cũng như vậy.”
Trong âm phủ, trong địa ngục không hề còn có cơ hội để chúng ta nghe Tin lành và cầu nguyện tin Chúa. Chỉ có lúc chúng ta còn sống trên đời mà thôi. Hôm nay là cơ hội tin Chúa tốt nhất cho mọi người chưa tin Ngài. Kinh thánh khuyến cáo mỗi chúng ta rằng: “Hãy sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi”(Amốt 4:12 c).

Phép báp têm của Chúa Jêsus đem cho người tin Ngài sự cứu rỗi (21).

Hình thức của phép Báptêm ngày xưa là nhúng toàn thể thân thể mình vào trong nước rồi đứng dậy, ra khỏi nước. Chữ báptêm trong nguyên nghĩa cũng mang ý nghĩa là ngâm mình xuống nước. Nhận phép báptêm mang ý nghĩa là người tin Chúa muốn được cùng chết, cùng đóng đinh cái bản chất tội lỗi mình, cùng chôn và cùng sống lại với Chúa Jêsus.

Câu Kinh thánh 21 nói đến báp têm bấy giờ là ảnh tượng của sự ấy để cứu chúng ta. Báp têm ở đây là hình ảnh về sự thương khó, sự chết khổ hình của Chúa Jêsus và sự sống lại của Ngài.

Trong cơn đại hồng thủy, chiếc tàu Nôê trôi nổi trong dòng nước cuồn cuộn, sau đó nước rút, con tàu nằm trên sườn núi Ararát. Trong ý nghĩa tâm linh, con tàu đó chỉ về Chúa Jêsus.

Con tàu chỉ về Chúa Jêsus. Nước chỉ về sự trừng phạt mà Đức Chúa Trời dành cho mọi tội nhân. Nước bao phủ con tàu, Chúa Jêsus chịu chết vì mọi tội lỗi nhân loại chúng ta đều chất trên vai Ngài. Nước rút, con tàu đậu trên núi Ararát, Chúa Jêsus đã sống lại. Mọi người ở trong tàu không bị dòng nước lụt làm hại, và họ đều được sống. Mọi người tin Chúa Jêsus, tức là ở trong Chúa Jêsus Christ đều không còn mang một sự đoán phạt nào do tội họ đã gây ra (Rôma 8:1). Mọi người đều được sống đời đời (Giăng 3:36).
Phép báp têm bằng nước không cứu được người nào cả. Nó không phải là điều kiện để được cứu. Kinh thánh không hề dạy phải nhận phép báp têm mới được cứu. Tội nhân chỉ được cứu bằng đức tin nơi Chúa Jêsus mà thôi. Tên cướp bị đóng đinh trên thập tự giá cùng giờ với Chúa Jêsus đã được Ngài ban cho sự cứu rỗi, vì ông ấy ăn năn tội và tin Ngài, chứ ông ấy chưa từng nhận báp têm (Luca 23:40-43).

Phép báptêm ở đây chỉ về sự chết và sống lại của Chúa. Chính nhờ sự chết thay và sự sống lại của Ngài mà mọi tội nhân nhân chúng ta được giải phóng khỏi sự chết đời đời. Nên lời Chúa nói rằng: “Phép báptêm bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ”(21).

Phép báp têm bằng nước không làm cho chúng ta sạch tội và sinh ra một bản chất mới được. Phép báp têm đó không đem đến sự cứu rỗi, mà chỉ việc làm bày tỏ tâm nguyện muốn đồng chết, đồng chôn cùng với Chúa Jêsus con người cũ tội lỗi và đồng sống lại với Ngài con người mới thiêng liêng, mang bản tánh công bình, thánh sạch và chân thật (Êphêsô 4:24).

Nhưng phép báptêm của Chúa Jêsus, tức là sự chết và sự sống lại của Ngài rửa sạch mọi tội chúng ta, và ban cho chúng ta một bản chất mới, một lương tâm thanh sạch, làm hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.

Phép báp têm của Chúa Jêsus khiến con cái Chúa không còn mọi sự sợ hãi (22).

Sau khi chết và sống lại, Chúa Jêsus về lại thiên đàng, nơi mà từ đó Ngài đã xuống thế gian. Hiện nay, Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời đặng cầu thay và biện hộ thay cho chúng ta. Các thiên sứ, mọi nhà cầm quyền, và mọi quyền lực chịu cầm quyền bởi Ngài (3:22).

Maquỷ ngày đêm kiện cáo tội lỗi chúng ta phạm trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng muốn Đức Chúa Trời thôi đừng thương xót chúng ta vì những điều không đẹp lòng Chúa mà chúng ta đã làm. Nhưng chúng ta yên lòng. Vì những tội nào chúng ta đã xưng ra, ăn năn với Chúa và lìa bỏ nó đi, thì Chúa Jêsus là vị luật sư bên hữu Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Linh công bố với Satan rằng mọi tội chúng ta đã được tha, vì huyết của Ngài đã đổ ra, và vì chúng ta đã tin Chúa và ăn năn trước mặt Ngài. Satan sẽ kiện cáo cho đến ngày mà nó và các sứ của nó bị thiên sứ trưởng là Michen và các thiên sứ khác của Đức Chúa Trời đánh bại. Khi chúng nó bị bại trận và bị xua đuổi khỏi các từng trời, là lúc chúng không còn kiện cáo chúng ta nữa.  (Khải huyền 12:7-10).

Chúa Jêsus cầm quyền trên thiên sứ, mọi nhà lãnh đạo trên thế giới, mọi quyền lực của con người và thiên nhiên, cùng mọi quyền lực của maquỷ, như Ngài đã công bố rằng: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”(Mathiơ 28:18). Là con cái của Đức Chúa Trời, không còn có điều gì khiến chúng ta phải sợ hãi nữa. Vì phép báp têm của Chúa Jêsus đã cứu chuộc chúng ta, khiến chúng ta trở nên con yêu dấu của Đức Chúa Trời, và là đối tượng được Chúa yêu thương, chăm sóc và bảo vệ.

Lời kết:

Đối với chúng ta và mọi người đang còn sống mà chưa tin Chúa, Đức Chúa Trời vẫn đang rất nhịn nhục chờ đợi mọi tội nhân năn và trở lại với Chúa để được tha thứ và nhận sự cứu rỗi. Nhưng cơ hội sẽ kết thúc bất ngờ, như thời Nôê.

Mọi người ngoài tàu Nôê đều bị nước lụt hủy diệt, mọi người ngoài Chúa Jêsus sẽ bị lửa địa ngục hủy diệt vì tội họ đã gây nên.

Chúa Jêsus đã chịu 1 phép báptêm đau đớn, đó là Ngài mang hết thảy tội ác của nhân loại và chết thay cho họ. Ngài cũng đã sống lại để khiến mọi người tin Ngài, ở trong Ngài được tha thứ mọi tội, được làm con của Ngài, và sống lại mà mặc lấy thân thể vinh hiển để được vào sống đời đời trong nước thiên đàng vinh quang của Ngài.

Mọi quyền thế đều dưới quyền của Chúa Jêsus. Mọi cơ đốc nhân là con trai, con gái của Ngài, nên không có điều gì đáng để chúng ta sợ hãi cả. Vì chúng ta đã được cứu rỗi qua phép báptêm của Ngài. Ngày nay, mọi lúc và mọi nơi, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, giải cứu, chữa lành, bảo vệ, và chăm sóc từng con cái yêu dấu của Ngài./.