Archive for Tháng Bảy, 2013

Chúa Jêsus Không Thất Hứa Về Sự Trở Lại (Ma-thi-ơ 16:28, 17:1-8)

HTTL Việt Nam Juan Korea – Chúa nhật 28/7/2013

SL

Chúa Jêsus Không Tht Ha Về Sự Trở Lại 

Mathi ơ 16:28, 17:1-8

Đức Chúa Jêsus không thất hứa bất kỳ điều gì mà Ngài đã hứa.

Sách Mathiơ 16: 28 có ký thuật lại lời Chúa Jêsus rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài.” Sách Mác 9:1, Luca 9:27 cũng có cùng một nội dung như vậy.

Các bạn ở tôn giáo khác thường dựa vào câu Kinh thánh nầy mà khẳng định rằng Chúa Jêsus không sống lại nên Ngài đã không thực hiện được lời hứa về sự trở lại của Ngài. Có người nghĩ rằng Chúa Jêsus không thực hiện lời hứa của Ngài vì thế hệ các môn đồ đã qua đi 20 thế kỷ rồi mà Chúa vẫn chưa trở lại. Vậy câu Kinh thánh nầy phải hiểu làm sao?

Điều Chúa Jêsus nói trong Mathiơ 16:18 nầy đã xảy ra trong sự kiện Chúa Jêsus hóa hình trên núi được ký thuật ngay ở sự kiện kế tiếp trong Mathiơ 17:1-8, Mác 9:2-8, Luca 9:28-36.

Nội dung của sự kiện Chúa Jêsus hóa hình trên núi nầy chính là điều mà Ngài nói với các môn đồ rằng: “Trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài.”(Mathiơ 16:28).

Thứ nhất: Chỉ có vài kẻ trong các môn đồ sẽ được thấy trước khi họ chết. Vài kẻ này chỉ về Phierơ, Giăng và Giacơ, họ chứng kiến sự kiện nầy khi họ còn sống.

Thứ hai: Diện mạo Chúa Jêsus vinh hiển, oai quyền.

Kinh thánh thuật lại rằng gương mặt Chúa Jêsus sáng rực như mặt trời, và áo sống của Ngài thì trắng như ánh sáng. Diện mạo hóa hình của Chúa Jêsus lúc nầy là diện mạo của một Đức Chúa Trời vinh hiển, oai quyền.

Chúa Jêsus đến thế giới lần đầu tiên trong thân xác của một con người thấp hèn như chúng ta, nhưng khi Ngài trở lại để đón chúng ta về thiên đàng thì diện mạo của Ngài oai nghi, chói sáng giống vậy như được chép trong Mathiơ 24:30 rằng: ” Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực và thấy Con người lấy đại quyền, đại vinh ngự trên mây trời mà xuống.”

Thứ ba: Những người tin Chúa sẽ sống lại và được vinh hiển.

Môise và Êli cũng hiện ra trong sự vinh hiển với Chúa Jêsus trên núi. Họ là 2 đầy tớ yêu dấu của Đức Chúa Trời đã qua đời trong thời cựu ước, nhưng Đức Chúa Trời đã đem họ đến trong sự hiện diện vinh hiển trên núi mà nói chuyện với Chúa Jêsus.

Điều nầy mang ý nghĩa rằng trong ngày Chúa Jêsus tái lâm, tất cả mọi người tin Chúa Jêsus đều sẽ được sống lại, được Ngài ban cho cho một thân thể vinh hiển giống Chúa và được cất lên với Ngài trong sự vinh hiển.

1 Têsalônica 4:16-17: “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.”

1 Giăng 3:2b: “Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.”

Philíp 3:21: “Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật.”

Thứ tư: Nước Đức Chúa Trời thật xinh đẹp, vinh quang và oai nghi.

Cảnh trạng đó lại thật xinh đẹp, vinh hiển, tốt lành và oai nguy, khi quyền năng của Đức Chúa Trời thể hiện lúc Chúa Jêsus hóa hình chói sáng và có tiếng phán của Đức Chúa Trời từ đám mây sáng rực che phủ. Quang cảnh vinh hiển, xinh đẹp và tốt lành đó khiến Phierơ và các môn đồ muốn được ở mãi trong vinh quang đó mà không muốn xuống núi nữa. Vì vậy mà Phierơ nói với Chúa Jêsus rằng: “Chúng ta ở lại đây thì tốt lắm” và xin Chúa Jêsus cho phép ông được đóng 3 cái trại cho Chúa Jêsus, cho Môise và cho Êli (4).

Th năm: Có sự hiện diện của Ba ngôi Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời cất tiếng phán từ trong mây mà rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường. Hãy nghe lời Con đó.” (5).

Khi nói đến việc Đức Chúa Trời hiện ra để nói chuyện với Chúa Jêsus, hay khi Chúa Jêsus cầu nguyện với Đức Chúa Trời, thì chúng ta cần hiểu rằng danh xưng Đức Chúa Trời đó đang chỉ về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Linh. Vì Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời, Chúa Thánh Linh là Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus cũng là Đức Chúa Trời.

Lời kết:

Khi Chúa Jêsus hóa hình trên núi, thì cảnh trạng trên núi lúc bấy giờ là cảnh trạng của thiên đàng hay là nước Đức Chúa Trời. Bởi có sự hiện diện của Ba ngôi Đức Chúa Trời trong vinh quang rực rỡ và quyền năng. Có sự hiện diện của Môise, Êli, là những người tiêu biểu của đức tin nơi Chúa. Quang cảnh ấy thật xinh đẹp, vinh hiển và oai nghi như trong thiên đàng khiến ai đã thấy thì đều khao khát được bước vào và ở luôn luôn nơi đó giống 3 vị môn đồ.

Vì vậy mà Chúa Jêsus nói về sự kiện nầy là sự kiện mà “Con người ngự đến trong nước Ngài”, hay “Nước Đức Chúa Trời lấy quyền phép mà đến”(Mác 9:1) và là sự kiện mà vài người trong số môn đồ của Ngài sẽ được trông thấy trước khi họ qua đời.

Như vậy, việc Chúa Jêsus ngự đến trong nước Ngài (nước Đức Chúa Trời ) có vài môn đồ còn sống mà trông thấy đã được thực hiện ở sự kiện Ngài hóa hình trên núi trước mặt 3 vị môn đồ trung tín nhất của mình là Phierơ, Giăng và Giacơ, chứ Chúa Jêsus không nói đến sự tái lâm của Ngài sau khi Ngài thăng thiên.

Nhưng Chúa Jêsus sẽ đến trong một ngày không xa nữa. Khi Ngài đến, Ngài không còn đến trong hình hài của một hài nhi nghèo hèn như Ngài từng đến cách đây 2013 năm về trước nữa. Ngài sẽ đến trong diện mạo của Đức Chúa Trời oai nghi và vinh hiển. Tất cả mọi người tin Chúa sẽ được biến hóa với thân thể giống Chúa Jêsus và thảy đều được cất lên thiên đàng với Ngài. Mọi người không tin Chúa đều sẽ bị bỏ lại. Họ sẽ chịu 7 năm đại nạn dưới mặt đất. Họ không muốn được Đức Chúa Trời giải cứu, nên Satan sẽ thống trị họ dưới ách cai trị độc ác và giả dối. Họ sẽ rên siếc vì đau đớn.

Cuối năm thứ 7 của cuộc đại nạn, Chúa Jêsus và mọi người đã được cất lên thiên đàng sẽ trở lại thế giới nầy, đánh bại mọi thế lực hung tàn của maquỷ. Đức Chúa Trời sai thiên sứ trói Satan, quăng nó vào âm phủ 1000 năm và lập lại thế giới mới bình an dài 1000 năm trên đất. Đây là cơ hội cho nhiều người còn sống được cứu.

Sau 1000 năm bình an, Satan được thả rồi bị đánh bại và bị ném vào hỏa ngục đời đời. Thế giới và mọi công trình trên đất bị đốt cháy thành tro bụi hoàn toàn. Đức Chúa Trời lập 1 tòa phán xét chung thẩm cho mọi người. Ai có tên trong Sách sự sống của Chúa Jêsus đều được đem vào thiên đàng sống hạnh phúc đời đời với Đức Chúa Trời. Ai có tội mà lại khướt từ sự tha thứ của Chúa Jêsus, đều bị ở với Satan, ma quỷ trong hỏa ngục đến đời đời (Khải huyền 20).

Chúa Jêsus sẽ đến bất ngờ, không ai biết, kể cả thiên sứ của Đức Chúa Trời trên trời cũng không biết (Mathiơ 24:36). Ngài muốn chúng ta ăn năn và tin Chúa ngay khi còn có cơ hội, nhất là ngay hôm nay. Ngài đã chết trên thập tự giá vì mọi tội chúng ta gây ra. Ngài chỉ cần chúng ta biết mình là tội nhân và chạy đến tiếp nhận lấy sự tha thứ của Ngài bằng cách tin nhận Ngài là Cứu Chúa cuộc đời mình. Đó là điều dễ nhất mà mọi người có trí hiểu bình thường đều có thể làm được. Điều mà chính bạn làm được cách dễ dàng. Hãy tin Chúa, đừng để không kịp, thưa bạn yêu dấu!

Thờ Hình Tượng Chọc Giận Chúa (Xuất 32:1-14)

HTTL Việt Nam Juan Korea – Chúa nhật 21/7/2013

SL

Thờ Hình Tượng Chọc Giận Chúa

Xuất Ê-díp-tô-ký 32:1-14

Vâng lệnh truyền của Đức Chúa Trời, Môise lên núi Sinai và ở đó 40 ngày đêm để được Đức Chúa Trời ban cho 10 điều răn được viết bằng chính tay của Ngài, trong khi Arôn thay Môise lãnh đạo dân sự khoảng 2 triệu người đóng trại phía dưới chân núi để chờ đợi Môise.

40 ngày chưa dứt (Xuất 24:18), nhưng dân sự cảm thấy quá lâu đâm ra nản lòng. Họ nghĩ rằng chắc có chuyện gì đã xảy ra cho Môise, có thể ông đã chết, nhất là khi thấy nơi mà Môise đã đi lên gặp Đức Giêhôva sáng như đám lửa hừng (24:17). Họ nghĩ rằng chắc Môise không còn xuống núi để tiếp tục lãnh đạo họ để đi vào xứ Canaan nữa.

1. Đức Chúa Trời ghớm ghê và nổi giận về việc làm hình tuợng và thờ lạy hình tượng của con người(1-10).

Dân chúng liền nhóm lại chung quanh Arôn, đề nghị ông tạo nên các thần để tiếp tục dẫn họ ra đi. Arôn chiều theo ý muốn dân sự mà truyền mọi người đem vàng trang sức lại cho ông, là vàng mà Đức Chúa Trời đã làm cho dân Dothái được ơn trước mặt người Aicập, khiến họ ban cho người Dothái nhiều vàng, đồ trang sức trước khi họ rời khỏi Aicập. Arôn đã dùng lửa nung đúc tạo nên một tượng con bò con bằng vàng để trước mặt dân chúng.

Làm nô-lệ 430 năm trong xứ Aicập, dân Dothái từng là những người từng đúc tượng người, tượng bò, nhiều tượng thần khác, và nhiều lần tham gia, chứng kiến cảnh thờ lạy tà thần nầy của người Aicập, nên người Dothái trở nên giỏi về việc đúc tượng. Vì thế mà việc đúc tượng bò con bằng vàng là rất dễ với họ.

Dân chúng tung hô tượng con bò vàng mà rằng con bò vàng chính là các thần đã đưa ra họ ra khỏi xứ Aicập. Arôn còn lập một bàn thờ để trước mặt tượng con bò vàng, đồng hóa Đức Giêhôva với con bò vàng, và tổ chức lễ thờ phượng, kèm theo việc ăn uống, vui chơi trước mặt tượng con bò vàng vào ngày hôm sau.

Đức Chúa Trời thấy Arôn và dân chúng làm việc đại ác như vậy, liền nổi giận. Ngài nói với Môise rằng: “Hãy đi xuống, vì dân mà ngươi đưa ra khỏi xứ Êdíptô đã bại hoại rồi, vội bỏ đạo ta truyền dạy, đúc một con bò tơ, mọp trước tượng bò đó và dâng của lễ cho nó mà nói rằng: Hỡi Ysơraên, đây là thần đã dẫn ngươi lên khỏi xứ Êdíptô!”(7-8).

Đức Chúa Trời nổi giận với dân Dothái trong việc nầy vì họ đã bội lời giao ước với Đức Chúa Trời về luật cấm làm hình tượng và thờ lạy hình tượng.

Đoạn 24:3 chép rằng, sau khi Môise đã nghe Đức Chúa Trời dạy về 10 điều răn, trong đó điều 1, 2 cấm việc thờ lạy một ai khác ngoài Đức Chúa Trời, và không được làm tượng chạm, và thờ lạy tượng chạm đó (Xuất 20:3-5), thì ông đã đến truyền dạy lại cho dân chúng, và được dân chúng hứa nguyện rằng sẽ thi hành mọi lời Đức Chúa Trời phán dạy. Thế nhưng họ đã phản nghịch với lời Chúa dạy.

Đức Chúa Trời ban cho dân Dothái có nhiều vàng là để họ có tài sản mà mua sắm lương thực, hay những dụng cụ cần thiết phục vụ cho cuộc sống của họ, và cũng để họ dùng dâng cho Đức Chúa Trời trong việc làm đền tạm. Nhưng họ đã dùng để làm một việc vô ích, có hại cho linh hồn của mình trong việc đúc nên con bò vàng vô tri, vô giác và tôn thờ nó.

Đức Chúa Trời ban tạo nên mọi vật trên thế giới nầy là để bảo toàn sự sống cho con người, và khiến con người thấy Ngài là Đấng toàn năng mà tôn vinh và nhờ cậy Chúa. Nhưng những người không tin Chúa, họ lại dùng tặng vật Chúa ban cho để dâng tế, cúng thờ maquỷ. Điều đó làm Đức Chúa Trời buồn lòng và nổi giận.

Lý do Đức Chúa Trời ghớm ghê và nổi giận về việc con người làm hình tượng thờ, và thờ hình tượng, thờ tạo vật trong vũ trụ.

Thứ nhất: Con người được Đức Chúa Trời tạo dựng nên theo hình ảnh cao đẹp của chính Ngài, nhưng con người tự coi mình là thấp hèn hơn các loài vật thấp hèn.

Đối tượng được tôn thờ luôn cao trọng hơn người tôn thờ. Con người được Đức Chúa Trời tạo nên với vị trí là con Đấng tạo hóa và là người cai trị muôn vật trên địa cầu nầy, như lời Chúa phán khi tạo dựng loài người rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất”(Sáng thế ký 1:26)
Thế nhưng, con người lại tự đánh đổ vị trí cao sang của mình, họ cúi xuống thờ lạy những tượng đẽo, đúc họ làm ra từ vật chất vô tri, và những loài súc vật, cây cối, cùng những con người đã chết, là những thứ thấp hèn hơn những con người đang sống.

Nếu ai đó trong chúng ta có một đứa con. Chúng ta nói với nó là “con là con con của cha, mẹ, và con là con người cao quý”. Nhưng nó nói rằng, “không, không, con không phải là con của cha mẹ, con không phải là loài người, con là chủng loài thấp hơn loài bò, cá, rắn, và là loài súc sinh”, và nó sống coi mình với vị trí như vậy. Chúng sẽ buồn và nổi giận vì nó tự sỉ nhục chính nó và cha mẹ nó.

Con người ngày nay đi thờ bò, cá, rắn, và những hình, tượng vô tri, vô giác, sản phẩm của tay nghề mình, làm Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên con người nổi giận. Vì tự coi mình thấp hơn những loài vật thấp hèn là hành động sỉ nhục Đức Chúa Trời, Đấng cao cả đã tạo dựng nên mình.

Thứ hai: Việc thờ hình tượng, tạo vật trong thiên nhiên là thái độ vô ơn và không khôn ngoan.

Một kỷ sư cơ khí giỏi tạo nên một chiếc xe gắn máy và đem tặng cho chúng ta. Chúng ta nhận chiếc xe và cúi đầu cảm ơn chiếc xe gắn máy mà không cảm ơn người kỷ sư đã tạo và tặng chiếc xe. Hay cha mẹ nấu cho người con một bát phở. Người con nhận bát phở, ăn ngon lành rồi cúi xuống tạ ơn bát phở, mà không một lời cảm ơn cha mẹ mình. Chúng ta sẽ gọi người nhận chiếc xe máy và người con ăn bát phở kia là người vô ơn và không khôn ngoan.

Đức Chúa Trời tạo nên cây cối, để con người lấy quả ăn, thân thì làm nhà, làm cầu, làm tàu bè, làm củi…lá thì làm phân phục vụ cuộc sống con người. Nhưng nhiều người cúi xuống thờ cây cối, lấy thân của nó làm tượng thần để thờ lạy, mà không thờ phượng Đấng dựng nên các loài cây là Đức Chúa Trời.

Bò, cá, rắn… được nhiều người ngày nay xưng là thần, rồi lập bàn thờ, dâng của lễ và cúi xuống tôn thờ, trong khi không thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo những loài đó làm lương thực cho con người.

Con người đi thờ đất, xưng vua đất là thổ địa, thần đất. Họ thờ sông, xưng vua sông là Hà bá. Thờ biển, xưng biển là Long vương …rồi cúi xuống dâng của lễ và thờ lạy, mà không biết ơn, thờ lạy Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên đất, sông, biển…bảo toàn sự sống cho con người.

Con người có hai phần, linh hồn và thể xác. Linh hồn và thể xác có giá trị rất cao quý trước mặt Đức Chúa Trời, vì Ngài ban cho con người cả hai điều giá trị này. Nhưng khi con người qua đời, linh hồn con người sẽ trở về với Đức Chúa Trời để chịu đoán xét (Truyền đạo 12:7), nhưng thể xác thì sẽ bị chôn vào lòng đất, trở thành cát bụi. Cho nên thân xác đã chết không có giá trị gì nữa. Thân thể của người đang sống, dù họ có nghèo nàn, ít học, tật nguyền…thì vẫn có giá trị, quý giá hơn một thân thể của người đã qua đời, dù khi còn sống, người đó có là danh tiếng, tài năng, quyền thế, giàu có… đi chăng nữa, như lời Chúa dạy rằng: “Một người ở trong hội kẻ sống, còn có sự trông mong, vì con chó sống hơn là con sư tử chết.”(Truyền đạo 9:4).

Sự hiếu thảo, kính trọng chỉ được đánh giá là có khi mà con cháu đối xử tốt với cha mẹ, ông bà khi họ còn sống, chứ không căn cứ trên việc cúng thờ khi họ đã chết. Vì người chết thì không còn hay biết gì nữa về mọi điều đang xảy ra trên trái đất nầy, nên việc thờ lạy, cúng dâng của con cháu đối với họ là vô ích.

Chúng ta sống hiếu kính cha mẹ, ông bà khi họ còn sống, và tưởng nhớ về tình thương, công lao của họ mà làm ơn cho người thân của họ, nhưng không thờ lạy, cúng dâng cho họ bất kỳ điều gì, vì họ không còn nhận được điều gì nơi sự thờ cúng của chúng ta nữa. Chúng ta chỉ thờ lạy Đức Chúa Trời, là Đấng hằng sống, Đấng cao cả hơn chúng ta mà thôi.

Thứ ba: Maquỷ luôn hiện diện trong khi con người thờ lạy, dâng cúng đối với hình tượng, các tạo vật trong thiên nhiên.

Lời Chúa trong Kinh thánh sách 1 Côrinhtô 10:20 chép rằng: “Đồ người ngoại cúng tế là cúng tế các quỷ, chớ không phải cúng tế Đức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỷ.”

Như vậy, mỗi lần con người dâng cúng và thờ lạy hình tượng, các tạo vật, thì cũng là lúc maquỷ xuất hiện, đón nhận lấy sự thờ lạy của họ. Có lẽ maquỷ dơ dáy, ghê tởm nhảy múa, và có những hành động phạm thượng trong lúc con người đang thờ cúng. Chúng ta có thể không thấy được, vì maquỷ thuộc dạng linh. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, Ngài thấy được, nên Ngài ghớm ghê và nổi giận khi con người không vâng lời Chúa mà giao thông với maquỷ trong việc cúng lạy hình tượng, các tạo vật trong vụ trụ.

2. Đức Chúa Trời cấm chúng ta làm tượng của Chúa và thờ phượng các hình tượng ấy.

Dân Dothái bấy giờ gọi tượng con bò con vàng là thần dẫn họ ra khỏi xứ nô lệ Aicập, tức chỉ tượng con bò vàng đó là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Chính Arôn cũng làm một bàn thờ đặt trước tượng con bò và la lên rằng: “Sáng mai sẽ có lễ tôn trọng Đức Giêhôva”, và họ cùng tổ chức thờ cúng tượng con bò và ăn chơi, vui vẻ trước mặt tượng con bò (Xuất 32:4-6). Không phải dân chúng không biết có Đức Chúa Trời, song họ đúc tạo tượng con bò vàng và cho rằng con bò vàng đó là Đức Chúa Trời, và cúng tế, thờ lạy con bò đó. Điều đó là cho Đức Chúa Trời nổi giận.

Tại sao Đức Chúa Trời nổi giận khi con người làm tượng Chúa, hay tượng vật gì đại diện cho Chúa rồi thờ lạy?

Lý do mà Đức Chúa Trời nổi giận và cấm là như sau:

Thứ nhất, vì Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa tối cao và toàn năng, nên trong vũ trụ nầy không có vật gì được tạo nên để đại diện cho Ngài được.

Một người có thể có hình ảnh và tượng. Nhưng hình ảnh và tượng đó không phải là người đó, bèn chỉ là hình và tượng mà thôi. Chúng ta không thể chỉ tấm hình của cha mẹ mình và nói rằng ‘bức hình nầy là cha, mẹ tôi’, mà phải nói là ‘nó là bức ảnh của cha, mẹ tôi.’ Bức hình, hay các tượng đó không thể thay thế cho một con người.

Nếu bức hình, hay cái tượng của chúng ta có giá trị ngang với chúng ta, hay đại diện được cho chúng ta, thì chúng ta có thể gửi bức hình của mình, hay cái tượng của mình đến một buổi họp, một buổi tiệc cưới, khi mà chúng ta không muốn tham gia các buổi họp mặt ấy. Người chủ tọa phiên họp, hay chủ tiệc cưới chắc chắn không công nhận bức hình, hay bức tượng của chúng ta có thể thay thế được sự hiện diện của chúng ta.

Người ta gọi là thờ cha mẹ, ông bà quá cố, nhưng thật ra là họ thờ các tấm hình, ảnh tượng của người quá cố mà thôi.

Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, và là Đấng đang sống làm sao có thể bị các vật do con người tạo dựng nên để đại diện cho Ngài? Kinh thánh Công vụ 17:29 cảnh cáo người làm hình tượng Chúa mà thờ rằng: “Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên.”

Thi-thiên 135:15-18, lời Chúa chép rằng: “Hình tượng của các dân bằng bạc và bằng vàng, là công việc tay loài người làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy. Có tai mà chẳng nghe, và miệng nó không hơi thở. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó đều giống như nó.”

Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng, hình tượng không hề có sự sống, không biết gì hết, là sản phẩm của bàn tay con người, chứ không phải thần linh gì hết. Ngài cũng cảnh cáo rằng ai làm hình tượng để cúng thờ thì linh hồn họ cũng đã mất sự sống như hình tượng không có sự sống.

Bạn có thể về một số làng đúc tượng để cúng thờ tại quê hương mình nhiều nhất ở miền Bắc. Bên cạnh đúc bằng kim loại, cát đá, họ còn dùng các gốc cây lâu năm được mua trong và ngoài nước để đẽo gọt tượng để bán. Các tượng đã hoàn thành và các tượng làm lở dở, nào là tượng Chúa, tượng Phật, tượng bà Mari, tượng ông Địa, tượng thần tài… cái đứng nghiêng ngã, cái nằm lăn lóc.

Những người thợ tạc tượng mồ hôi nhuễ nhại, hì hục đẽo, gọt, giũa, mài. Lúc thì ngồi trên bụng tượng, lúc thì ngồi trên đầu tượng, rồi lăn qua, lăn lại để đục, để giũa. Tượng khi đứng, khi ngã lăn quay khi không được dựng khéo léo…Thỉnh thoảng lũ chim, lũ gà vịt đến ỉa trên các pho tượng để bên ngoài sân, và lũ chó thỉnh thoảng cũng đến tè trên các pho tượng…Trước khi bán đi, các pho tượng được lau chùi sạch sẽ, sơn phết sáng sủa, xinh đẹp.

Người ta đến trả tiền mua các pho tượng không có sự sống mà người tạc tượng đã tạo ra, đem về đặt trên những bàn thờ trang nghiêm, dâng nhan đèn, hoa quả, cơm xôi, thịt, rượu…và cung kính sấp mình xuống bái lạy, cầu xin.

Người làm tượng nếu sau này tin Chúa, có lẽ họ sẽ dễ dàng hiểu hơn người khác về lý do tại sao Đức Chúa Trời lại không cho phép con người làm hình tượng Chúa, hay hình tượng đại diện cho Đức Chúa Trời để nhận thay Đức Chúa Trời sự sự thờ phượng mà con người thành kính dâng lên.

Thứ hai: Đức Chúa Trời là Đấng hằng sống, hằng còn, nên chúng ta không được quyền làm hình tượng cho Ngài để mà cúng thờ.

Người ta chỉ là hình tượng và cúng thờ hình tượng của một ai đó khi mà người đó đã chết. Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng hằng sống, Ngài đang sống và cai trị vũ trụ nầy, nên chúng ta không làm hình tượng Chúa mà cúng thờ. Ai làm hình tượng Chúa rồi thờ lạy hình tượng đó, tức là người phủ nhận sự sống, phủ nhận sự đang hiện diện của Ngài.
Thập tự giá trong nhà thờ của Hội thánh tin lành không phải là mẫu vật để tôn thờ như nhiều người hiểu lầm. Thập tự giá chỉ có hai thanh gắn lại với nhau mà không có hình ảnh gì trên đó. Thập tự giá đó mang ý nghĩa là Chúa Jêsus đã chết thế cho mọi tội nhân vì tội lỗi của họ và chúng ta trên thập tự giá khổ đau, và Ngài đã xuống khỏi thập tự giá, đã sống lại để ban cho con người sự tha thứ trọn vẹn, sự sống lại của thân thể, sự sống mạnh mẽ, phong phú và sự sống đời đời. Ngài không còn treo trên cây thập tự.

3. Cầu thay cho người, dân tộc thờ hình tuợng (11-14).

Đức Chúa Trời thấy lòng dạ hung dữ, và gian ác của dân Dothái, Ngài định tiêu diệt họ, như Ngài cũng đã từng tiêu diệt loài người Nôê vậy (10). Nhưng Môise đã nài xin Đức Chúa Trời. Ông bày tỏ với Chúa rằng Ngài đã dùng quyền năng lớn lao để giải phóng dân sự, và Ngài cũng đã từng hứa rằng với Ápraham, Ysác, Giacốp rằng Ngài sẽ làm cho dòng dõi họ đông như sao trên trời.

Đức Chúa Trời đoái thương lòng cưu mang và sự nài xin hết lòng của Môise, nên Ngài đã tha thứ cho dân sự, không giáng tai họa tiêu diệt họ đi (14).

Đức Chúa Trời là Đấng kị tà, vì Ngài là Chúa thánh khiết tuyệt đối. Nhưng Chúa cũng có lòng yêu thương rất lớn, đặc biệt hay lắng nghe những lời cầu xin của chúng ta cho chính mình, và lời cầu thay cho người khác, là những người vẫn còn đang sống.

Khi xưa, Ápraham đã cầu nguyện với Chúa cho dân thành Sôđôm, vì thương gia đình của Lót, cháu ruột ông, khi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt dân thành nầy vì cớ tội ác ghê ghớm mà không ăn năn của họ (Sáng thế ký 18:16-32). Vì cớ lời cầu nguyện hết lòng của Ápraham, mà Đức Chúa Trời đã sai 2 thiên sức của Ngài đến kéo cả gia đình của ông Lót ra khỏi thành Sôđôm trước khi lưu huỳnh và lửa phóng xuống thiêu hủy thành này (Sáng thế ký 19:16).

Nhiều lần Môise cầu thay cho dân Dothái vì tội ác họ, để Đức Chúa Trời không tiêu diệt họ. Ngày nay, lòng nhân từ của Đức Chúa Trời vẫn còn đối với những lời cầu thay của chúng ta cho gia đình, dòng tộc, bạn hữu của mình. Chúng ta đừng quên làm trọn trọng trách này, vì sẽ có nhiều người trong dòng tộc chúng ta sẽ được thoát khỏi nhiều tai họa, và được Chúa thương xót mà giải cứu họ vì lời nài xin của chúng ta.

Lời kết:

Chúng ta là những con người có giá trị cao cả, chỉ thấp hơn duy nhất đối với Đấng tạo hóa của mình là Đức Chúa Trời. Vì vậy, Ngài là Đấng duy nhất đáng để được chúng ta tôn thờ. Đức Chúa Trời ghê tởm và nổi giận khi con người thờ hình tượng, và tai họa sẽ không tránh khỏi người đó. Ngài bảo người nào làm hình tượng và thờ phượng nó thì đều giống như nó (Thithiên 135:18), tức là tự mình đánh mất giá trị của chính mình, đánh mất sự sống đời đời và tự chuốc lấy tai họa.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta cầu thay cho những người đang sống, đặc biệt xin Chúa thương xót mà giải cứu những con người đang thờ hình tượng khỏi tai họa và sự chết đời đời. Người ưu tiên được cầu thay của chúng ta là gia đình chúng ta. Đức Chúa Trời nhìn thấy lòng yêu thương và lắng nghe sự nài xin của Môise như thế nào, thì Ngài cũng đoái thương sự nài xin xuất phát từ tình thương và đức tin của chúng ta như vậy./.

Bản Chất Tạo Ra Lối Sống (Mác 7:1-23)

HTTL Việt Nam Juan Korea – Chúa nhật, 14/7/2013

SL

Bản Chất Tạo Lối Sống

Mác 7:1-23

Người Pharisi và các thầy thông giáo trong thời Chúa Jêsus đã đặt thêm nhiều luật lệ bên ngoài luật pháp của Đức Chúa Trời đã ban cho dân Dothái qua Môise.

Như luật trong ngày Sabát, người ta không được đi xa quá 1 dặm đường. Ăn cơm thì phải rửa tay thật sạch, đặt biệt phải rửa tay từ khủy trở xuống mới đạt tiêu chuẩn để ăn uống. Nếu không rửa tay theo cách nầy thì khi ăn uống, sẽ làm cho con người trở nên xấu xa đi. Rửa chén, bình đều phải theo luật thì người dùng mới không vấp phạm tội lỗi.

Họ cũng có luật trong sự báo hiếu đối với cha mẹ. Họ dạy rằng một người con khi đã nói với cha mẹ mình rằng điều gì mà họ có đã đem dâng cho Đức Chúa Trời, thì không được phép dùng điều đó để giúp đỡ cho cha mẹ nữa (10-12), trong khi Chúa dạy là phải hiếu kính, báo đáp đối với cha mẹ.
Vì họ tạo ra và thực hiện những luật lệ sai lầm đó thay cho lời dạy của Đức Chúa Trời, nên Chúa Jêsus đã phê phán họ là kẻ giả hình (6).

1.Kinh thánh tạo một lối sống tốt lành đạt tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, còn lời truyền khẩu của loài người thì không (1-13).

Người Pharisi và các thầy thông giáo, hay thầy dạy luật pháp thời Chúa Jêsus đã tạo thêm nhiều luật lệ ngược với lời Đức Chúa Trời, để thực hiện và dạy người khác phải thực hiện những lời này thay cho lời Đức Chúa Trời. Một ngày nọ, họ thấy một vài môn đồ Chúa Jêsus không rửa tay trước khi ăn. Vì không tìm được lỗi nào khác để bắt bẻ, họ bèn bắt bẻ Chúa Jêsus về việc không rửa tay. Chúa Jêsus thấy tấm lòng nhỏ nhen, hay gây chuyện và sự giả hình của nhóm người nầy, nên Ngài dạy cho họ, và cho mọi người bài học về bản chất bên trong con người mới tạo ra lối sống xấu, chứ không phải thức ăn, hay lễ nghi bên ngoài tạo nên lối sống người ta.

Chúa Jêsus dùng lại lời của tiên tri Êsai để nhận định về họ mà rằng: “Dân nầy lấy môi miếng tôn kính ta, nhưng lòng chúng nó cách xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” (6-7, Êsai 29:13).

Dù bất kỳ ai có đọc Kinh thánh, có giữ lễ thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng lại không tin, không coi lời Đức Chúa Trời quan trọng hơn lời con người, hoặc coi lời con người dạy những điều khác với Kinh thánh lại có giá trị thẩm quyền như Kinh thánh, thì Chúa Jêsus gọi việc thờ phượng của người ấy là vô ích. Người đó chỉ có môi miếng tôn vinh Ngài, nhưng lòng họ thì xa cách Ngài, hay không hề có Ngài trong cuộc đời của Ngài. Họ chỉ coi đạo của Ngài như một tôn giáo như mọi tôn giáo khác. Việc theo đạo của họ là để tìm một tôn giáo cho có bạn có bè, có niềm vui mà thôi. Việc theo đạo như vậy trước mặt Chúa là vô ích, không hề nhận được sự cứu rỗi, bản chất lỗi lầm của họ vẫn y nguyên như cũ, lối sống của họ vẫn cứ xấu xa.

Hầu hết chúng ta ngày xưa trước khi tin Chúa. Chúng ta hay sống dựa sự hiểu biết, suy nghĩ của mình, và nhiều khi sống theo những lời dạy của người xưa. Kết cuộc là chúng ta gây ra nhiều lỗi lầm, sai phạm và phải gánh lấy nhiều sự đau khổ trong cuộc đời. Nhưng từ ngày tin Chúa, Đức Chúa Trời muốn chúng ta trở về sống với lời Chúa dạy trong Kinh thánh, để sống thương người, thánh khiết, công bình, chân thật và có được hạnh phúc thật.

Một số những lời truyền khẩu của người xưa đã từng ảnh hưởng đến cuộc đời trước khi tin Chúa của chúng ta.

– Ngày trước chúng ta nghe người ta dạy rằng:
“Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt, ông cha không thờ.” (Nguyễn Đình Chiểu 1822).

Nguyễn Đình Chiểu bị đui mù năm ông 26 tuổi. Năm đó (1948), ông đang học ở Huế và chờ thi năm sau. Chưa kịp thi, ông nghe tin mẹ mình mất. Ông bỏ thi trở về Gia định chịu tang. Trên đường về, ông quá lo buồn, và khóc thương mẹ quá nhiều, dẫn đến lâm bệnh, khiến mù cả hai mắt.

Ông là nhà văn, nhà thơ xuất sắc và là thầy thuốc yêu nước, thương dân và căm thù giặc Pháp xâm lược. Ông thấy người Pháp hầu hết là theo Đạo Công Giáo, thờ Chúa mà không thờ ông bà, cha mẹ đã qua đời, nên ông làm bài thơ có câu nầy. Nếu Nguyễn Đình Chiểu hiểu được cách sống hiếu thảo cách thực tế của người Cơ đốc giáo đối với Cha mẹ như lời Chúa dạy, thì ông chắc không có định kiến như vậy.

Người theo đạo công giáo lúc bấy giờ không được thờ người chết, ông bà tổ tiên đã qua đời. Vào năm 1958, Công Đồng Vatican II La Mã cho phép người Công Giáo Việt Nam thờ cúng tổ tiên, thắp hương khấn nguyện với người chết. Lý do là người công giáo muốn không bị văn hóa thờ cúng người quá cố đối lập, và cho rằng để rao tin mừng cho người Việt, thì cần phải có cùng văn hóa thờ cúng, để khỏi bị chống đối. Dần dần, người Công giáo ngày nay coi việc thờ cúng người quá cố như một giáo lý cần giữ.

Người Tin lành chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời, chỉ thờ một mình Ba ngôi Đức Chúa Trời mà không cúng thờ ông bà, cha mẹ quá cố. Nhưng không cúng thờ ông, bà, cha, mẹ quá cố không có nghĩa là chúng ta bỏ ông bà, cha mẹ và bị gọi là bất hiếu. Vì Chúng ta theo lời Chúa mà sống vâng theo những lời chỉ dạy đúng đắn của Cha mẹ. Tôn trọng, quý trọng, báo đáp và không làm cho cha mẹ buồn khi cha mẹ còn sống. Sau khi họ qua đời, thì lo lễ tang, xây mồ mả chu đáo cho họ, và giúp đỡ những những người thân của họ. Người thờ tổ tiên khác chúng ta ở chỗ là họ lập bàn thờ, thắp nhang, dâng của cúng. Khi nhang tàn thì dọn đồ cúng xuống ăn.

Người phương tây thì quan trọng ngày sinh nhật, còn người Việt thì coi trọng ngày chết. Có nhiều người khi cha mẹ sống thì không báo hiếu, đợi cha mẹ chết rồi mới khóc inh ỏi, lo mần gà, vịt, heo, đủ thứ thức ăn ngon, thành kính cúng dâng cho cha mẹ. Nhưng rồi sau đó lấy xuống ăn ngon lành, vì cha mẹ họ không còn ăn được nữa. Rồi họ chửi người Tin lành bất hiếu, bỏ ông, bỏ bà, vì không cúng bái cha mẹ.

Người Tin lành mình là người hiếu thảo nhất đối với cha mẹ so với mọi người theo các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Thậm chí là Chúa giúp chúng ta không uống bia, không uống rượu, không tự tử, không chửi thề, không phạm pháp… để làm cho cha mẹ không lo lắng, không hổ thẹn, nhưng luôn an lòng và tự hào về những đứa con của mình. Đó là 1 trong nhiều lối sống hiếu thảo quan trọng hơn trăm ngàn lần so với việc dâng cúng, mà sống làm buồn lòng cha mẹ, lòng cha mẹ lúc còn sống phải lo lắng, hổ thẹn.

– Nhập gia, tuỳ tục.
Câu nói này có mặt phải, nhưng cũng có mặt trái không đúng của nó. Nếu chúng ta di cư đến sống tại 1 quốc gia nào đó, buộc chúng ta phải tuân giữ luật pháp của nước đó, dù luật pháp đó có khác, không quen với chúng ta.

Nhưng mặt trái của câu nầy là ở chỗ, nếu chúng ta sống trong 1 xã hội nào đó, thì chúng ta phải sống với lối sống giống như phần lớn người sống tại đó, dù lối sống của họ là có tính tội lỗi, man rợ, sai lầm.

Cụ thể khi bạn đến nhà một người bạn để chơi. Mọi người trong nhà đang ăn nhậu, uống rượu, và bạn được mời cùng chén. Nếu bạn muốn sống theo câu nói “nhập gia tùy tục”, bạn sẽ phải uống rượu và đánh chén với họ. Sau đó họ có đánh bạc, rồi gái gú, bạn chắc sẽ phải làm những chuyện ấy giống như họ.

Như vậy, có những câu truyền khẩu của con người không đúng với Kinh thánh, chúng ta phải phân biệt, và chỉ vâng lời Chúa mà thôi.

Bạn cũng đừng ngại lời truyền khẩu của người chè chén rằng: “Nam vô tửu, như kỳ vô phong”. Tức là đàn ông không uống rượu thì như cờ không gặp gió. Bạn đừng lo, vì cờ gặp gió mạnh, thì cờ sẽ rách toạc mà thôi.

2. Bản tánh tội lỗi sanh ra lối sống xấu xa, và ngược lại. Đức Chúa Trời ban cho người tin Ngài bản chất thánh sạch, để có lối sống tốt lành (14-23).

Người Pharisi, thầy thông giáo nghĩ rằng con người có thể sống trong sạch, tốt lành khi mà họ giữ những lễ nghi tôn giáo và giữ luật mà họ đặt ra, như việc rửa tay sạch trước khi ăn. Như phải giữ đúng cách trong sự rửa chén, bình, đồ dùng trong nhà. Vì với họ, những thức ăn không được rửa sạch, thì khi ăn vào thì sẽ có tội, sẽ có bản chất không tốt.

Nhiều người nghĩ rằng người ăn cay sẽ nóng tính, và cay cú, vì ớt có tính nóng và cay. Có người cũng nghĩ rằng người ăn thịt thì sống ít thiện lành, còn người ăn chay thì sống từ bi hơn…Nhưng thực tế không chứng minh được điều nầy. Vì những người theo Chúa Jêsus như chúng ta ở đây vẫn ăn thịt, cá, và ăn cay nhưng rất tốt bụng, hiền lành và đầy lòng thương người.

Như Chúa Jêsus khẳng định trong cây 15 rằng: “Chẳng có sự tì từ ngoài người vào trong có thể làm dơ dáy người được, nhưng sự gì từ trong người ra, đó là sự làm dơ dáy người.”

Ngài dạy rằng những thức ăn khi vào cơ thể, rồi nó đi ra một nơi kín sau khi đã tiêu hóa, mà nó không hề khiến bản chất con người tốt hơn hay ác hơn.

Nếu thức ăn có thể thay đổi được bản tính con người, thì để xây dựng một xã hội trong sạch, công bằng với mọi người sống đạo đức, tốt bụng, thì y học sẽ nghiên cứu sản xuất các loại thức ăn, nước uống hay thuốc để trị bệnh suy đạo đức của con người.

Cain ăn thực vật không mà ra tay giết chết em ruột của mình. Trong thời Nôê, con người cũng chỉ ăn thực vật, nhưng họ sống gian ác đến độ Đức Chúa Trời phải tiêu diệt họ, ngoại trừ 8 người công bình trong gia đình Nôê bằng nước lụt. Maquỷ có ăn gì đâu mà bản chất nó gian ác tột đỉnh. Như vậy chứng tỏ chỉ có bản chất con người quyết định mọi ý tưởng và hành động chúng ta xấu hay tốt, như lời Chúa Jêsus dạy.

Câu số 20-23 Chúa Jêsus kết luận rằng: “Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người. Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt danh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người.”

Những loài dã thú được huấn luyện để biểu diễn trong các rạp xiếc hầu hết đều bị cưa răng và cắt cụt hết móng vút. Chúng tỏ vẻ hiền lành, ngoan ngoãn là vì chúng không còn thế để tự vệ. Giống như một người hung ác, nhưng đã bị liệt thì không còn làm gì được mà thôi, chứ không phải vì người đó hết hung dữ đâu.

Bản chất con người là thứ không ai khuất phục được, ngoại trừ Đức Chúa Trời. Dầu có ai có đủ mọi thứ tài năng trên đời nầy nữa, nhưng họ cũng sẽ bó tay khi cố gắng để thay đổi một con người. Bằng cách sống tốt của mình, ai đó có thể thay đổi một ít cách sống của một ai đó, nhưng chỉ là một phần rất ít, chứ không thể thay đổi hoàn toàn con người đó. Nhưng Đức Chúa Trời làm được, và Ngài là Đấng duy nhất làm được. Vì Ngài là Đấng tạo nên cơ thể, và cả linh hồn con người.

Ngài thay đổi một người là thay đổi bản chất của họ. Một con người nghiện cờ bạc. Bạn đến khuyên họ, vì nể trọng bạn, họ cố gắng bỏ 1 thời gian ngắn nào đó, nhưng rồi họ sẽ đi đánh tiếp, vì bản chất đánh bạc chưa được thay đổi. Bạn đã từng khuyên chân thành 1 người nóng tính đừng nóng tính nữa chưa? Lời khuyên của chúng ta có thể có giá trị, nhưng chỉ tạm thời.

Cái bản tánh xấu của chúng ta nó giống như là cái miệng thèm ăn vậy đó. Khi đói thì thèm khát, mong muốn, nóng nẩy để được ăn. Nhưng sau khi ăn no cành bụng, thì thấy thức ăn ngon như thế nầy chẳng còn gì hấp dẫn mình nữa. Lúc đó mình nghĩ, chắc cả tuần nữa cũng không thèm. Nhưng 5, 6 tiếng, cái bao tử bắt đầu đói, thế là lại thèm, lại kiếm ăn.

Chưa làm được việc xấu, thì thèm khát làm cho bèn được. Sau khi làm xong thấy mình có lỗi, hối hận. Nhưng sang ngày hôm sau lại thèm làm tiếp, thế lại làm. Làm xong, lại thấy không thèm mà còn ân hận…nhưng rồi lại làm tiếp. Tất cả vì bản chất mới tốt lành chưa có mà thôi.

Đức Chúa Trời sẽ cho chúng ta bản chất mới, chỉ khi nào chúng ta muốn bỏ bản chất cũ mà thôi. Người tin Chúa thật lòng là người biết bản chất cũ mình là xấu, và muốn từ bỏ nó, đồng thời xưng tội với Chúa và tin nhận Ngài. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có bản chất mới của Đức Chúa Trời ban cho để sống tốt mà thôi.

Lời kết:

Lời truyền khẩu của con người thường có hai mặt. Nhưng lời Đức Chúa Trời dạy đúng hoàn toàn, tuyệt đối tốt lành. Nên chúng ta không dùng trí khôn của mình để thêm bớt lời của Chúa, và phải luôn coi lời Đức Chúa Trời có giá trị và năng quyền hơn mọi lời dạy dỗ của con người.

Thức ăn, mọi việc ngoài Chúa và sức mạnh của con người không hề thay đổi được bản chất con người. Chỉ có Chúa Jêsus là Đấng duy nhất ban cho con người có bản chất mới. Ngài đã chết và sống lại để ban cho mọi người ăn năn tội mình và tin Ngài có bản chất mới để sống thánh sạch, công bình và chân thật giống Ngài./.

Chúa Jêsus Nhơn Lành (Lu-ca 10:30-35)

HTTL Việt Nam Juan – Chúa nhật 07/7/2013

SL

Chúa Jêsus Nhơn Lành

Luca 10:30-35

Người Dothái coi thường người Samari, vì người Samari là người Dothái bị lai tạp. Sau thời đại của vua Salômôn, xứ Dothái bị chia ra làm hai, bắc và nam. Phía nam gọi là Giuđa với thủ đô là Giêrusalem, và vua cai trị là Rôbôam, con trai Salômôn. Phía bắc gọi là Ysơraên, có thủ đô là Samari, và vua cai trị là Giêrôbôam.

Khoảng năm 721 trước công nguyên, người dân Dothái tại thành Samari bị đánh bại bởi vua Asiry. Một phần bị giết hại, một phần bị bắt đi làm phu tù, và một phần thì bị bỏ lại. Sau đó dân ngoại bang đã kéo đến xứ Samari nầy lập nghiệp. Họ đến sống chung và cưới vợ, gã chồng với người Samari bị bỏ lại tại đây. Con cái của họ trở nên bị lai tạp. Họ chẳng những bị lai tạp về thể xác, nhưng nhiều người còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa thờ lạy hình tượng từ dân ngoại bang nữa. Chính vì sự lai tạp nầy mà người Dothái nguyên gốc, chưa lai tạp, đặc biệt là tại Giuđa, miệt thì, và coi thường người Samari. Coi thường đến đỗi không giao tiếp với người Samari (Giăng 4:9).

Người Samari nhơn lành.

Chúa Jêsus kể rằng, một ngày kia, có một người Dothái đi từ thành Giêrusalem đến thành Giêricô. Khi đang đi trên đường, một bọn cướp xuất hiện và cướp lột hết tài sản của ông, và đánh ông bị thương nặng, rơi vào trạng thái nữa sống nữa chết, rồi bọn chúng bỏ đi. Người Dothái nằm trên đường, mất hết tài sản,  thậm chí là áo quần và chờ chết.

Một thầy tế lễ, là người Dothái dâng của lễ trong đền thờ, đi ngang qua, thấy người bị nạn nằm đó, vẫn còn sống thoi thóp, nhưng ông đi qua, mặc kể người cùng dân tộc bị nạn.
Một lát sau, có một người Lêvi, là người Dothái lo việc dọn dẹp, sửa sang và gìn giữ đền thờ, đi ngang qua. Ông thấy người Dothái bị nạn, nhưng rồi cũng bỏ đi, bỏ mặc người bị nạn chờ chết, giống như thầy tế lễ trên.

Thầy Tế lễ và người Lêvi nọ là hai người làm việc trong tổ chức tôn giáo. Họ là những người giữ luật pháp tôn giáo cách khắc khe, và có uy tín trước công chúng, nhưng họ lại bỏ mặc người bị nạn, dù là đối với người dân tộc của mình.

Theo luật pháp Môise, nếu ai đụng chạm đến xác chết thì bị ô uế đến 7 ngày. Như được chép trong Dân số ký 19:11 rằng: “Ai đụng đến một xác chết của người nào sẽ bị ô uế trong bảy ngày. ” Tuy vậy, người đàn ông Dothái bị nạn kia vẫn chưa chết, nếu được cứu, ông ta sẽ sống. Đó là điều thầy tế lễ và Lêvi biết. Nhưng họ không có một hành động nào yêu thương đối với người bị nạn.

Có thể cúi xuống hỏi han, cho uống một ngụm nước, kiếm một miếng vãi trên thân thể mình mà quấn cho ông ấy. Nhưng họ hoàn toàn không làm gì cả, nhìn rồi bỏ qua, không một chút thương xót.

Có lẽ các ông sợ liên luỵ tới mình. Tốn tiền, tốn thời gian, tốn sức và còn có thể gặp nguy hiểm khi bọn cướp quay trở lại…Một người không có tình thương sẽ nghĩ ra nhiều lý do để không cứu người giống như vậy.

Không bao lâu sau đó, một người Samari đi con lừa ngang qua. Ông nhìn thấy người Dothái bị nạn, động lòng thương xót. Ông liền xuống lừa, lấy dầu và thuốc làm từ rượu xức chỗ bị thương cho người bị nạn. Ông lấy vãi bó vết thương và khiêng người bị nạn để lên lưng lừa và chở đi đến nhà quán, nơi chăm sóc người bị nạn.

Người Samari ở lại tại quán chăm sóc cho người bị nạn cho đến ngày hôm sau. Nhưng vì có công việc, và người bị nạn cũng đã tạm ổn, người Samari trả trước chủ quán 2 đơniê, công giá của 2 ngày làm công và căn dặn người chủ quán tiếp tục chăm sóc, trị bệnh cho người bị nạn. Ông sẽ trở về lại nơi nhà quán nầy để trả thêm số tiền viện phí nếu có phát sinh thêm.

Tấm lòng của người Samari vẫn có nhưng thật hiếm trong thế giới ngày nay.

Ông làm ơn cho người thuộc dòng tộc ghét bỏ, khinh miệt ông.
Ông làm ơn trong khi đang bận rộn công việc.
Ông không tiếc công sức, vật chất và tiền bạc đối với người đang gặp hoạn noạn cần được cứu giúp.
Ông dũng cảm khi giúp đỡ người bị nạn, vì đoạn đường ông đi qua có nhiều trộm cướp rập rình.

Nhưng vì tình yêu thương, ông coi trọng mạng sống con người hơn mọi điều ngăn trở đó, nên ông đã thực hiện được một việc làm cao thượng.

Chúa Jêsus nhơn lành.

Câu chuyện của người Dothái bị cướp cũng giống như câu chuyện của mỗi cuộc đời chúng ta.

Người Dothái bị nạn là hình ảnh của chúng ta.
Đoạn đường là cuộc sống hiện tại trên đất.
Những kẻ cướp là tội lỗi, và Satan, maquỷ. Chúa Jêsus gọi maquỷ là kẻ cướp giết và hủy diệt (Giăng 10:10), còn tội lỗi là nguyên nhân dẫn đến đau khổ, và là lời mời đối với Satan bước vào thống trị cuộc đời mình.
Thấy tế lễ và người Lêvi là hình ảnh của các giáo chủ, giáo điều tôn giáo đời nầy. Họ chỉ dạy bảo, nhưng không cứu được. Các giáo chủ tôn giáo và hệ thống giáo điều của các tôn giáo đó cũng chỉ dạy khuyên người cố sức, tự mình giải cứu mình, còn họ họ thì không bao giờ vào cuộc. Vì họ không có khả năng giải cứu ai khỏi cuộc đời đau khổ.
Người Samari mang hình ảnh của Chúa Jêsus.

Chúa Jêsus đến  thế giới chúng ta trong hình hài của một con người. Ngài được sinh ra trong chuồng chiên máng cỏ nghèo nàn và hôi tanh. 33 năm trên đất Ngài chưa từng phạm một tội nào, dù là trong tư tưởng và lời nói của mình (2 Phierơ 2:22). Ngài chữa lành mọi thứ bệnh bằng uy quyền Ngài có. Ngài trục xuất mọi quỷ dữ khỏi người nó thống trị. Ngài giải phóng họ và ban cho họ được tự do. Ngài kêu người chết sống lại. Ngài hóa bánh cho người đói ăn no nê. Ngài khiến sóng gió, ba đào yên lặng để cứu các môn đồ mình. Ngài chết cho tội lỗi mọi người trên thập tự giá. Ngài sống lại sau ba ngày, tức vào ngày chủ nhật ban cho con người sự tha thứ mọi tội, bản chất mới tốt lành, năng quyền thắng quỷ dữ, cuộc đời hạnh phúc, sự sống lại và sự sống đời đời trong thiên đàng.

Đã có nhiều tỷ người trên thế giới đã được thay đổi cuộc đời sau khi tin Chúa. Họ đã và đang sống hạnh phúc ở trong Ngài.

Ngày xưa chưa biết Chúa. Chúng ta cũng giống như người Dothái bị nạn xưa kia. Chúng ta vì tội lỗi mình, mà bị tội lỗi và maquỷ cướp đi mọi hạnh phúc mình có được, ngoại trừ cái thân thể với nhiều nỗi đau.

Chúng ta từng có tin ngưỡng, tôn giáo nhưng không có hy vọng và bình an.
Chúng ta từng có tiền, có quyền nhưng không có sự thỏa lòng.
Chúng ta từng có tri thức, sức mạnh nhưng không chiến thắng được những suy nghĩ và hành động tội lỗi, ngông cuồng.
Chúng ta từng có người thân, bạn bè nhưng không có hạnh phúc.
Tất cả là vì lúc đó chúng ta chưa có Chúa Jêsus.

Khi ở ngoài Chúa, vì tội lỗi mình mà maquỷ cướp đi khỏi chúng ta niềm hy vọng, sự bình an, sự thỏa lòng, sự chiến thắng, cùng hạnh phúc. Nó lột trần khỏi chúng ta mọi thứ tốt đẹp nhất của cuộc đời mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.

Khi tri thức và sức lực của chúng ta, và khi các tôn giáo trên đời nầy bất lực trong sự giải cứu chúng ra khỏi sự đau khổ và sự chết, thì Chúa Jêsus đã đến. Ngài đến để tìm chúng ta, những con người từng sai lầm và lạc lối. Ngài đến để chết thay tội chúng ta. Ngài sống lại để giựt chúng ta khỏi quai hàm của Satan, maquỷ. Ngài đem chúng ta ra khỏi mọi khổ đau. Ngài làm mới lại cuộc đời của chúng ta để chúng ta sống yêu thương, thánh khiết, công bình và chân thật giống Ngài. Ngài ban cho chúng ta địa vị làm con Ngài. Và ban quyền công dân nước thiên đàng cho chúng ta. Sau khi lìa khỏi đời nầy, Ngài đem chúng ta vào ở với Ngài đời đời trong thiên đàng. Chúng ta chỉ cần tin và nhận lấy.

Lời kết:

Không điều gì tốt lành nhất mà Ngài không làm cho chúng ta, miễn là chúng ta tin nơi Ngài và để Ngài tự do làm cho chúng ta. Không có người Samari nhơn lành kia, thì người Dothái nọ đã phải chết. Không có Chúa Jêsus đến trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta cũng sẽ cứ sống trong lầm thang, đau khổ dưới sự thống trị của tội lỗi và maquỷ và chết đời đời như vậy.

Chúa Jêsus đã đến trong thế gian để tìm kiếm kẻ có tội (1 Tim 1:15a), để tha tội và ban cho chúng ta địa vị làm con của Đức Chúa Trời cao cả (Giăng 1:12). Chúng ta được cứu không phải nhờ chúng ta đi tìm kiếm Ngài, bèn là Ngài tìm kiếm chúng ta.

Khi  chúng ta có lòng khó khăn, tức là đói khát sự tha thứ mọi lỗi lầm của chính mình, khao khát có được một bản chất thánh khiết và một cuộc đời hạnh phúc đời đời, thì Chúa sẽ sai tôi tớ Ngài đến bày tỏ cho chúng ta Tin lành của Ngài, đồng thời Ngài ban đức tin cho chúng ta để chúng ta tiếp nhận Ngài và để hưởng nước thiên đàng Ngài dành cho ở trên trời (Mathiơ 5:3). Sự cứu rỗi, nước thiên đàng không dành cho người kiêu ngạo, cho người tự nghĩ rằng tự mình có thể cứu được mình.

Sống ngoài Chúa Jêsus, người ta bị tội lỗi và maquỷ cướp đoạt, lột trần mọi hạnh phúc mà họ đã được Chúa ban cho. Nhưng Chúa Jêsus đã đến, ai khao khát sự cứu rỗi của Ngài, người đó sẽ được Chúa giải cứu cả linh hồn lẫn thể xác. Maquỷ chẳng tiếp tục làm hại được người đã có Chúa Jêsus là chủ cuộc đời mình. Ngài sẽ giải cứu, chữa lành, bảo vệ và chăm sóc mọi người tin Ngài cho đến đời đời. Ngài là Jêsus, là Chúa, là Cha nhơn từ, ca cả, lớn lao, vĩ đại nhất./.