Archive for the ‘Tin vào cây gậy’ Category

Tin Vào Cây Gậy (Dân số ký 20:1-13)

HTTL Việt Nam Juan Korea – Chúa nhật 06/10/2013

SL

Tin Vào Cây Gậy

Dân số ký 20:1-13

Hình ảnh cây gậy đi liền với chức vụ của Môise trong 40 năm dẫn dắt dân Dothái từ khi ông gặp Đức Chúa Trời hiện ra tại bụi gai cháy không tắt.

Cây gậy của Môise, cây gậy của Đức Chúa Trời.

Trước khi gặp Đức Chúa Trời, cây gậy của Môise chỉ là một khúc gỗ cây dùng để chăn chiên như bao cây gậy của những người chăn gia súc khác. Nhưng từ khi Đức Chúa Trời sai ông đi giải phóng dân Dothái ra khỏi xứ Aicập nô lệ thì cây gậy tầm thường đó trở nên kỳ diệu và được mang tên là “Cây gậy của Đức Chúa Trời.”(Xuất 4:20).

Không cần phải dùng đến cây gậy của Môise, thì Đức Chúa Trời vẫn làm được những việc quyền năng qua Môise để giải cứu và dẫn dăt dân Dothái, nhưng Ngài muốn dùng cây gậy đó chỉ về chính Môise, con người Ngài đang sử dụng.

Khi gặp Chúa, Môise chỉ là một cụ già 80 tuổi, nói ngọng, làm nghề chăn chiên, không biết Danh Đức Chúa Trời là gì, và những gì ông học tại xứ Aicập đã lỗi thời,và quên gần hết sau 40 năm đi chăn gia súc. Vì vậy, Môise bấy giờ như một cái cây gậy tầm thường, chỉ dùng để chăn chiên cho đến ngày qua đời. Nhưng Đức Chúa Trời muốn dùng cái con người tầm thường đó. Vì Ngài sử dụng, thì Ngài khiến người tầm thường trở nên người phi thường. Như cây gậy bằng gỗ rất tầm thường đã trở nên cây gậy kỳ diệu mang tên là “Cây gậy của Đức Chúa Trời”, và cây gậy đó đã cùng Môise làm nên những việc phi thường. Tất cả là bởi lòng thương xót và năng quyền của Đức Chúa Trời toàn năng.

Trong 40 năm dẫn dắt dân sự, phần lớn các phép lạ mà Đức Chúa Trời làm qua Môise thì Ngài đều bảo Môise dùng đến cây gậy. Để làm cho Pharaôn và quần thần xứ Aicập biết rằng Đức Chúa Trời của dân Dothái là Đấng toàn năng, đáng kính sợ mà cho dân Dothái đi khỏi xứ nô lệ của họ, Ngài đã bảo Môise dùng cây gậy làm ra nhiều việc lớn và lạ.

Môise ném gậy trước Pharaôn, gậy biến thành rắn. Môise dùng gậy đập xuống sông, nước sông thành máu. Môise dùng cây gậy giơ ra trên rạch, sông khiến ếch nhái từ rạch, sông tràn lên xứ Êdíptô, lên cung điện vua. Môise dùng gậy đập xuống bụi, bụi liền hóa thánh muỗi. Môise giơ cây gây lên trời, sấm động vang lên, mưa đá đổ xuống và lửa chạy trên mặt đất. Môise giơ cây gậy ra trên xứ Aicập, Đức Chúa Trời khiến gió đông thổi cào cào đến (Xuất 7-10).

Khi ra khỏi xứ Aicập, Chúa bảo Môise dùng cây gậy đưa trên biển đỏ, khiến biển rẽ ra cho dân Dothái đi ngang qua biển như đi trên đất khô cạn(Xuất 14:16). Ngài cũng bảo Môise dùng cây gậy đập hòn đá tại Hôrếp tại vùng Rêphiđim khiến nước chảy ra cho dân sự uống. Trong một trận chiến với dân Amaléc tại Rêphiđim, Khi Môise cầm cây gậy trong tay và đưa tay lên thì dân Dothái thắng hơn, nhưng khi hạ tay xuống thì dân Amaléc thắng hơn (Xuất 17:8-12).

Khi Môise tin vào cây gậy.

Môise thấy cây gậy của Đức Chúa Trời trong tay mình đã được Đức Chúa Trời sử dụng làm quá nhiều việc phi thường, nên Môise dần dần tin vào cây gậy.

Khi dân Dothái được Môise và Arôn dẫn đi đến xứ Cađe thuộc đồng vắng Sin, là xứ không có nước uống. Dân sự đã dấy loạn, chống nghịch hai ông. Hai ông đến cửa hội mạc mạc mà sấp mình xuống để cầu xin Đức Chúa Trời chỉ dạy. Hiện ra trong vinh quang, Ngài đã bảo cùng Môise rằng: “Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với Arôn anh ngươi, hãy truyền nhóm hội chúng và hai ngươi phải nói cùng hòn đá trước mặt hội chúng, thì hòn đá sẽ chảy nước ra. Ngươi sẽ khiến nước từ hòn đá chảy ra cho hội chúng và súc vật của họ uống.”(8)

Môise và Arôn bèn nhóm dân sự lại, nhưng thay vì bảo với hòn đá phun nước ra cho dân sự uống, thì Môise và Arôn la rày dân sự mà rằng: “Hỡi dân phản nghịch, hãy nghe! Chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi uống được sao?(10) Sau đó Môise lấy cây gậy của mình mà đập 2 lần vào hòn đá, nước bèn chảy tràn ra rất nhiều. Dân chúng và gia súc của họ uống thỏa thê.

Thay vì vâng theo lời của Đức Chúa Trời mà truyền cho hòn đá phun nước ra, thì Môise lại dùng cây gậy đập vào hòn đá. Hành động nầy khiến Đức Chúa Trời bảo Môise và Arôn đã không tin Ngài để mà tôn Ngài nên thánh trước mặt dân sự. Vì hành động không vâng lời nầy mà Đức Chúa Trời không cho hai ông được vào xứ Canaan (12).

Lúc đó Môise đang nóng giận nên bảo dân sự là dân phản nghịch, nhưng không phải vì nóng giận mà Môise dùng gậy đập vào hòn đá hai lần. Ông dùng gậy đập hòn đá là vì ông không có đức tin nơi lời của Đức Chúa Trời lúc đó như Ngài đã trách ông.

Ông không tin lời Đức Chúa Trời lúc đó, nhưng đức tin của ông đặt nơi cây gậy. Đức Chúa Trời bảo ông chỉ nói với hòn đá để khiến nó phun nước, nhưng ông không nói bèn là dùng gậy mà đập. Đức Chúa Trời chưa từng bảo ông dùng tiếng nói của mình làm một việc siêu nhiên nào trước đây, Ngài chỉ bảo ông dùng gậy mà thôi. Nên đức tin ông bị dao động. Ông nghĩ rằng dùng cây gậy đập hòn đá thì hòn đá có lẽ sẽ phun nước, như Đức Chúa Trời từng bảo ông đập hòn đá tại Hôrếp cho nước phun ra(Xuất 14), và Đức Chúa Trời cũng từng bảo ông dùng cây gậy để làm nhiều việc siêu nhiên trước đây. Còn dùng tiếng nói mà truyền cho hòn đá vô tri thì khó mà khiến nó phun nước, và Đức Chúa Trời cũng bảo ông cầm lấy cây gậy mà (8a). Chính chỗ nầy, Môise đã không có đức tin nơi lời của Đức Chúa Trời.

Chúng ta dễ mắc phải lỗi này giống Môise, đó là đôi lúc không tin và không làm theo lời Chúa dạy mà lại đặt đức tin nơi những những tạo vật của Chúa hơn là đặt đức tin nơi chính Chúa, Đấng tạo hóa mình.

Hai trường hợp mà chúng ta thường dễ mắc lỗi giống lỗi của Môise tại đây.

Thứ nhất: Trông cậy nơi bác sĩ, thuốc men hơn là trông cậy nơi Chúa.

Đức Chúa Trời là Đấng chữa lành. Hoặc Ngài chữa lành cho bệnh nhân cách trực tiếp qua sự cầu nguyện, hoặc Ngài sữ dụng y bác sĩ và thuốc men để chữa lành. Đức Chúa Trời cho con người sự khôn ngoan để khám phá ra những phương pháp chữa bệnh, Ngài cũng tạo ra sẳn những chất liệu về dược trong thiên nhiên để làm ra thuốc.

Môise đãcó lần tin vào sức mạnh của cây gậy thay vì tin vào lời Đức Chúa Trời phán như thế nào, thì ngày nay nhiều Người tin theo Chúa cũng tin vào bác sĩ, thuốc men hơn là tin vào quyền năng chữa lành của Đức Chúa Trời như vậy.

Những tín đồ nầy không bao giờ cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho mình, hoặc cầu nguyện cho có chuyện chứ không tin Chúa chữa lành khi mình và người khác bị bệnh. Khi bị bệnh, họ chỉ nghĩ đến bệnh viện, bác sĩ và thuốc men. Vì bác sĩ, thuốc men đều đến từ Đức Chúa Trời, nên chúng ta thường vẫn được chữa lành, nhưng chúng ta sẽ rất ít, hoặc chẳng bao giờ kinh nghiệm được sự chữa lành đến trực tiếp từ quyền năng của Đức Chúa Trời.

Người tin Chúa vẫn phải rất nhiều lần nhờ đến bác sĩ và thuốc men để được lành bệnh. Nhưng người có đức tin tuyệt đối nơi Chúa thì biết nhờ cậy Chúa trước hết bằng sự cầu nguyện thật lòng, và dầu phải nhờ đến bác sĩ, thuốc men, thì họ vẫn tin rằng Chúa muốn mình được chữa lành bằng cách nầy. Trước và trong khi được bác sĩ chữa trị và uống thuốc họ đều cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho họ. Khi hết bệnh, họ vẫn tin rằng Chúa đã chữa lành cho họ qua bác sĩ, thuốc men và cảm tạ Chúa, không nghi ngờ tình thương và quyền năng của Ngài.

Người có đức tin như vậy, chắc chắn trong cuộc đời họ, bên cạnh những lần được Chúa chữa lành bằng bác sĩ và thuốc men, thì sẽ có rất nhiều lần, họ nhận được sự chữa lành đến trực tiếp từ quyền năng của Chúa chỉ thông qua lời cầu nguyện. Vì Chúa chúng ta là Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng chữa lành.

Thứ hai: Trông cậy nơi tôi tớ Chúa đầy ơn hơn là trông cậy nơi Chúa.

Chúng ta đôi khi đặt đức tin nơi những tôi tớ Chúa có ơn cầu nguyện chữa lành hơn là nơi sự cầu nguyện trực tiếp của mình với Chúa cách cá nhân. Nên khi bị bệnh, hay gặp nan giải nào đó trong cuộc sống mình, chúng ta thường không hoặc ít cầu nguyện cách trực tiếp với Chúa, mà chỉ có trông chờ vào sự cầu nguyện thay của một tôi tớ Chúa đầy ơn nào đó mà thôi.

Đức Chúa Trời cho chúng ta đặc ơn cầu nguyện trực tiếp với Ngài, và Ngài sẽ nhậm lời khi chúng ta thật lòng đến với Chúa. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, Chúa dùng những đầy tớ có ân tứ đặc biệt nào đó để cầu nguyện chữa bệnh, hoặc cầu nguyện để giải quyết những nan đề nào đó trong cuộc đời mình, nhưng Chúa muốn chúng ta đừng đặt đức tin nơi họ, và nương cậy nơi họ, mà cần đặt đức tin nơi Chúa và nương cậy chỉ nơi Chúa. Khi đức tin chúng ta chỉ đặt nơi Chúa, thì sự cầu thay đó được Chúa nhậm lời cách nhanh chóng và rõ ràng.

Cây gậy của Môise chỉ là công cụ của Đức Chúa Trời, còn Đức Chúa Trời mới là Đấng thi hành những phép lạ. Bác sĩ, thuốc men, và những người cầu thay…chỉ là công cụ của Đức Chúa Trời, còn Ngài mới là Đấng chữa lành và giải cứu. Môise tin vào cây gậy, là công cụ của Đức Chúa Trời mà không tin vào lời Ngài phán nên không đẹp lòng Chúa và bị thất bại. Cũng vậy, chúng ta đặt đức tin, lòng trông cậy mình vào vật thọ tạo, thay vì tin tuyệt đối nơi lời Chúa dạy, thì chúng ta cũng sẽ không sống đẹp lòng Chúa và thất bại như thế.

Hòn đá phun nước bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời (11b).

Tại sao Môise không tin nên không vâng lời Chúa, nhưng sao hòn đá vẫn phun nước? Hòn đá phun nước không phải là do Môise đập gậy trên hòn đá 2 lần, nhưng là vì Đức Chúa Trời thương xót dân chúng và đàn gia súc đang khát nước. Hòn đá phun nước không liên quan gì đến hành động đập gậy của Môise, một hành động không đến từ đức tin. Nhà lãnh đạo của dân sự sai trật, nhưng Đức Chúa Trời không vì đó mà lìa bỏ dân sự Ngài. Lòng thương xót Ngài vẫn ở trên dân chúng, Ngài cứu họ và gia súc họ khỏi cơn khát nước.

Một Hội thánh tăng trưởng cần có người lãnh đạo thuộc linh vâng lời Chúa. Nhưng khi nhà lãnh đạo sa ngã, thì Đức Chúa Trời vẫn thương xót và chăn dắt hội thánh của Ngài. Nhưng Ngài chắc chắn sẽ sửa trị người lãnh đạo làm theo ý mình. Hoặc Ngài tha thứ khi họ ăn năn và tiếp tục sử dụng họ, hoặc Ngài dùng một người nào khác thay thế theo ý muốn Chúa.

Môise và Arôn không vâng lời Chúa, nhưng Ngài vẫn khiến nước chảy tràn ra từ hòn đá để cho dân sự uống vì lòng thương xót Ngài. Người lãnh đạo đừng nhìn vào sự tăng trưởng và những công việc lớn lao mà Chúa đang làm trên hội thánh mình đang hầu việc mà tự hào về chính mình, và coi thường những sai phạm của mình dầu là nhỏ. Có thể người lãnh đạo có những sai trật, nhưng vì lòng thương xót của Chúa đối với từng tín hữu trong Hội thánh mà Ngài vẫn làm cho Hội thánh tăng trưởng.

Trong một giai đoạn nào đó, Hội thánh có thể đang lớn mạnh mà không phải do người lãnh đạo Hội thánh tin và vâng lời Chúa, nhưng là vì lòng thương xót của Chúa vẫn còn trên Hội thánh. Nên nếu có sai phạm, người lãnh đạo Hội thánh cần ăn năn ngay, để Đức Chúa Trời không dừng chức vụ của bạn trên Hội thánh của Ngài.

Việc cáo trách, sửa trị, sử dụng hay thay thế nhà lãnh đạo Hội thánh là việc của Đức Chúa Trời, chứ không phải là việc của tín hữu. Là tín hữu, chúng ta không được phép lên án, phê phán, nói hành và xua đuổi đầy tớ Chúa, vì đó là việc của Chúa. Chúng ta là ai mà dám thay mặt Đức Chúa Trời để làm công việc của Ngài không giao phó? Việc của tín hữu là cầu nguyện cho người lãnh đạo thuộc linh, nếu góp ý, thì cần tôn trọng, đó là thái độ Chúa muốn.

Thêm nữa, Hội thánh có được Chúa thăm viếng hay không, không phải chỉ do nơi người lãnh đạo hội thánh, mà còn là do nơi tín hữu của Hội thánh. Một Hội thánh không thể phục hưng nếu chỉ có người lãnh đạo thuộc linh sống vâng lời Chúa. Tín hữu sống vâng lời Chúa, thì hội thánh chắc chắn sẽ được phục hưng. Còn người lãnh đạo, Chúa biết dùng ai, và thay thế khi nào.

Phước lớn bị cất đi (12).

Vì Môise và Arôn đã tin vào cây gậy hơn là tin vào lời Chúa dạy lúc đó, nên Đức Chúa Trời cất lấy phước hạnh lớn lao trên đất của hai ông.

Ngài phán rằng: ‘Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên thánh trước mặt dân Ysơraên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã ban cho nó đâu.”(12).

Không bao lâu sau đó, Arôn qua đời và Môise thì chỉ lãnh đạo dân Dothái cho đến khi họ đến bên kia sông Giôđanh, tức là sát ranh giới của xứ Canaan. Môise qua đời tại xứ Môáp lúc 120 tuổi, mắt không mờ, và sức khỏe không giảm (Phục truyền 34:5-7).

Vâng lời Đức Chúa Trời, 40 năm tận tụy, chịu khó nhọc để dẫn Dothái đi vào đất hứa, nhưng chỉ vì không tin và không vâng lời Đức Chúa Trời một lần duy nhất trong vòng 40 năm đó, mà Môise đã không được Đức Chúa Trời cho vào đất hứa Canaan.

Môise có nhiều phước lớn vì đức tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ngài cho ông nước thiên đàng. Ngài cho ông được đối diện trực tiếp với Chúa trong vinh quang mà nói chuyện cùng Ngài. Chưa có ai được Đức Chúa Trời sai làm nhiều việc siêu nhiên như Môise (Phục truyền 34:11-12). Nhưng Ngài cất đi phần đất hứa Canaan, nơi mà ông khao khát trong vòng 40 năm được đặt chân đến.

Vì tin Chúa, chúng ta chắc chắn được cứu rỗi. Nhưng mỗi lúc làm theo ý mình do không tin nơi lời Chúa, lại không ăn ăn thì chắc chắn Chúa sẽ cất đi một phước lành mà Ngài đã sắm sẳn cho chúng ta, giống như Ngài đã lấy lại vườn địa đàng Êđen ra khỏi tay của Ađam và Êva, hay như Môise và Arôn mất về phần đất hứa đượm sữa và mật Canaan.

Ngài có thể rút lại những phước lành về sức khỏe, ân tứ, khả năng, tài sản, tuổi thọ…và cả chức vụ nếu chúng ta không tin nơi lời Chúa để rồi làm theo ý mình. Với người lãnh đạo thuộc linh, một lần vi phạm như Môise, không tin để rồi không tôn thánh Ngài trước mặt mọi người chung quanh, bạn cũng có thể bị Đức Chúa Trời thay thế bởi một người khác giống như vậy.

Lời kết

Đức Chúa Trời muốn sử dụng ai, dù người đó có tầm thường, Ngài cũng ban cho họ tấm lòng và lối sống phi thường để sống và làm việc cho Chúa.

Đức Chúa Trời muốn người lãnh đạo thuộc linh và người tín hữu theo Chúa Jêsus Christ không thêm hay bớt lời Chúa, bèn là tin và vâng phục cách tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh. Không một người nào, không một vật gì đáng để chúng ta tin và vâng lời thay cho đức tin và sự vâng lời của chúng ta nơi Đức Chúa Trời toàn năng, thương xót và thành tín.

Người sống không tin nơi lời của Chúa sẽ không làm danh Chúa được tôn thánh trước mặt mọi người chung quanh, và chắc chắn sẽ đánh mất nhiều phước hạnh cao quý trong đời nầy và đời sau./.