Archive for Tháng Sáu 10th, 2013

Sống phó thác cuộc đời cho Chúa (Sáng thế ký 50:15-21)

HTTL Việt Nam Juan Korea – Chúa nhật 09/6/2013

SL

Sống Phó Thác Cuộc Đời Cho Chúa

Sáng thế ký 50:15-21

Ý định của Chúa cao cả hơn ý định của loài người chúng ta. Êsai 55:8-9 chép lại lời Chúa phán thế này: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

Cuộc đời của Giôsép ban đầu mang nhiều cay đắng do các anh gây ra, nhưng Đức Chúa Trời không hề bỏ Giôsép khi anh sống phó thác chính mình cho Chúa. Từ giữa nhiều khổ đau của cuộc đời, Ngài khiến cuộc đời anh trở nên diệu kỳ, có ích lớn lao trong việc giải cứu cho chính anh, gia đình, dòng tộc anh, cả cho xứ Aicập và anh là tấm gương lớn cho chúng ta hôm nay.

1. Sống phó thác cuộc đời cho Chúa sẽ có lòng tha thứ lớn lao (15-18).

Sau khi Giacốp qua đời, 10 người anh của Giôsép sợ Giôsép sẽ báo thù về những tội ác mà họ đã gây ra với Giôsép ngày xưa. Họ bèn bàn với nhau rồi đến nói với Giôsép rằng, trước khi qua đời, cha có lời nhắn lại với Giôsép rằng xin Giôsép tha thứ cho điều ác, tội phạm cho các anh, và họ là tôi tớ của Đức Chúa Trời(16-17). Nghe xong, Giôsép bèn khóc.

Giôsép biết các anh sợ mình báo thù, nên họ đặt ra lời nầy và mạo là của cha để mình vì thương nể cha mà tha thứ cho họ. Vì nếu Giacốp có nói, thì nói thẳng với Giôsép trong lần cuối gặp gỡ, chứ đâu cần phải nói gián tiếp qua các anh.

Giôsép khóc, vì thấy thương các anh, thương cho họ vì họ đã nhận biết lỗi lầm, và thương họ vì họ đang đau khổ với những lỗi lầm mà họ từng gây ra. Lỗi lầm mà các anh đã gây ra với Giôsép được ký thuật trong Sáng thế ký đoạn 12.

Giacốp có hai người vợ chính, vợ lớn là Lêa, và vợ nhỏ tên là Rachên. Giacốp yêu mến Rachên hơn, mà Rachên thì chỉ sinh được hai đứa con vào tuổi hiếm muộn, là Giôsép và Bêngiamin. Rachên sau khi sanh xong Bêngiamin thì qua đời, nên khiến Giacốp thương 2 đứa con nầy hơn các người anh trai, đặc biệt ông thương Giôsép nhất. Vì thương Giôsép nhất, nên ông may cho chàng một chiếc áo dài nhiều màu sắc. Và kể từ đây, 10 người anh của Giôsép trở nên đầy lòng ghen tị với em mình.

Một ngày kia Giôsép nằm chiêm bao và thuật lại chiêm bao đó cho cha và các anh nghe. Anh chiêm bao thấy khi đang ở ngoài đồng, thì anh thấy bó lúa của chàng thì dựng đứng, còn các bó lúa của các anh thì đến sấp mình xuống trước bó lúa của chàng. Giấc chiêm bao nầy mang ý nghĩa là một ngày nào đó, Giôsép sẽ cầm quyền trên các anh, nên họ càng ganh ghét Giôsép (4-8).

Sau đó, Giôsép lại thấy chiêm bao nữa, và chàng kể cho cha và các anh mình nghe. Chàng thấy mặt trời, mặt trăng và 11 ngôi sao đều sắp mình xuống trước mặt chàng. Giấc mơ đó mang ý nghĩa rằng cha, mẹ và các anh sẽ phải đến sấp mình xuống đất trước mặt Giôsép. Vì vậy, các anh càng trở nên bực tức và ghét cay, ghét đắng Giôsép (9-11).

Một ngày nọ, vâng lời cha đi thăm các anh đang chăn chiên ở Đôtain. Ngoài trừ Rubên là anh cả, thì 9 người anh kia lập mưu giết Giôsép. Họ bàn tính giết Giôsép, quăng xuống hố. Nhưng để cứu em, Rubên bàn đừng giết Giôsép, chỉ quăng nó vào trong 1 cái hố nước trong đồng vắng là được, vì Rubên muốn cứu Giôsép, muốn trả chàng về cho cha. Rubên dường như không thể ngăn việc ác nầy, vì các anh của Giôsép quá hung dữ.

Khi Giôsép đến, họ bắt chàng lột chiếc áo nhiều màu, bắt chàng quăng vào 1 cái hố nước, nhưng hố không có nước, nên Giôsép vẫn còn sống. Khi có đoàn người lái buôn Íchmaên đi ngang qua, các anh nghe lời Giuđa, kéo Giôsép lên bán cho những người lái buôn này lấy 20 miếng bạc. Những người Íchmaên đem Giôsép qua xứ Aicập (Êdíptô), và bán chàng lại cho gia đình của quan thị vệ của vua tên là Phôtipha. Còn các anh thì giết một con dê đực, đem chiếc áo nhiều màu sắc của Giôsép nhúng vào máu con dê, đem về cho cha mình để lừa cha rằng chàng đã bị thú dữ xé ăn thịt.

Giacốp nghĩ rằng Giôsép đã bị thú dữ giết chết Giôsép, nên ông đau đớn, than khóc, xé áo mình ra, và đeo tang lâu ngày. Các con trai, con gái hiệp lại an ủi ông, nhưng ông không chịu, ông nói rằng: “Ta để tang luôn xuống chốn âm phủ cùng con ta.”(37:12-36).

Tấm lòng độc ác của các anh Giôsép đã vừa làm khổ chàng ở tuổi 17 đầy ước mơ, khiến chàng phải làm nô lệ, rồi tù nhân trong ngục tù, vừa làm cho cha già đau khổ nhiều năm.

Một người bị hại, nhất là đến mạng sống mình, thì không phải chỉ  một mình người đó, bèn là cả gia đình của họ cũng bị hại nữa. Một người đàn ông, hay đàn bà bị giết, cha mẹ họ sẽ đau khổ vì mất con, vợ, chồng của họ sẽ góa bụa và con cái họ sẽ trở nên mồ côi. Cho nên kẻ giết người vì lòng căm thù, lòng tham hay vì tội ác khác, thì phải vào hỏa ngục nếu không ăn năn, từ bỏ tội mình và tin Chúa để được biến đổi bản chất bên trong.

Nhưng lòng tha thứ của Giôsép quả thật là cao thượng. Chàng chưa một lần nào oán trách các anh mình, và cũng chưa từng có ý định trả thù họ. Khi nghe họ mạo lời cha để cầu xin lòng tha thứ Giôsép đã khóc (50:16-17).

Nước mắt của Giôsép đổ ra vì thấy các anh biết ăn năn tội của mình, và họ đã thực sự thay đổi. Giôsép đã thấy được họ yêu thương cha và yêu thương nhau. Nước mắt của chàng bày tỏ lòng tha thứ chân tình mà chàng đã dành cho các anh.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta có lòng tha thứ cho người làm mình đau khổ như Giôsép đã tha thứ cho anh trai của mình. Sực tha thứ hoàn toàn. Đức Chúa Trời cũng đã làm gương đó cho chúng ta. Chúa Jêsus đã xuống thế gian mang hết tội lỗi chúng ta, dòng tộc chúng ta gây nên, Ngài đã chịu chết cách sĩ nhục, và đau đớn tột cùng trên thập tự giá để tha hết mọi tội chúng ta. Ngài muốn chúng ta hãy tha thứ nhau như Ngài đã tha thứ chúng ta.

Khi Phierơ hỏi Chúa Jêsus rằng, có phải ông sẽ phải tha thứ cho anh em phạm tội cùng ông 7 lần không? Nhưng Chúa đáp rằng: “Ta không nói cùng người rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy”(Mathiơ 18:22), có nghĩa là tha thứ luôn luôn, còn sống thì còn phải tha thứ.

2. Sống phó thác cuộc đời cho Chúa sẽ được Ngài khiến những hoạn nạn trở nên điều vui mừng và ích lợi lớn lao (20).

Khi các anh sấp mình xuống dưới chân của Giôsép, và nói rằng: Các anh đây thật là kẻ tôi tớ của em đó!”(18). Giôsép đã nói cùng họ rằng: “Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao? Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo.”(20)

Khi bị bán để làm nô lệ cho gia đình của quan thị vệ Phôtipha. Đức Chúa Trời phù hộ Giôsép, khiến chàng làm việc gì trong gia đình cũng giỏi, cũng thành công khiến mọi việc trong gia đình đều hoàn tất cách tốt đẹp. Đạo đức tốt và làm việc khôn ngoan và siêng năng, khiến quan thị vệ Phôtipha giao hết mọi việc, từ quản lý nhà cửa cho đến tài sản của gia đình đều giao cho Giôsép cai quản.

Giôsép vừa đẹp trai, vừa trẻ trung, vừa thông minh tài giỏi, mà quan thị vệ hay đi vắng, nên vợ của Phôtipha yêu thích Giôsép. Nhiều lần bà dụ dỗ Giôsép làm tình với bà, nhưng vì Giôsép kính sợ Chúa, nên chàng nhiều lần khướt từ bà. Chàng đã từng nói với bà rằng: “Trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi. Vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?”(40:9).

Nếu chúng ta không thấy những việc tội lỗi, việc Chúa cấm là việc đại ác, là việc làm phạm tội với Chúa Thánh Khiết, thì chúng ta sẽ thường xuyên phạm tội, sẽ nghiện phạm tội, và sẽ sống hoàn toàn cách ly với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải biết tội lỗi là vấn đề nghiêm trọng, là vật cản mọi người bước vào thiên đàng.

Một ngày kia, khi trong nhà không có ai, ngoài Giôsép đang làm việc, vợ Phôtipha vào nắm áo của Giôsép mà nói rằng: “Hãy nằm cùng ta!” Giôsép bèn tuột áo để lại trong tay của bà và trốn chạy. Bà liền báo thù bằng nói với người làm khác và chồng của mình rằng Giôsép đã toan mưu nằm cùng bà, nhưng khi nghe bà kêu lên, thì Giôsép bỏ chạy, để lại chiếc áo bên bà.

Phôtipha tin lời vợ, ông nổi giận phừng phừng và bắt Giôsép bỏ vào tù, là nơi giam cầm các tội phạm của vua.

Khi vào tù, Đức Chúa Trời lại tiếp tục phù hộ Giôsép, khiến chủ ngục yêu mến, tin tưởng Giôsép. Chủ ngục giao các tù nhân trong ngục cho Giôsép quản lý, và kiểm soát mọi việc trong tù. Tại trong tù nầy, Giôsép được ở chung với hai vị quan của vua, một vị là quan thượng thiện, tức là quan làm bánh và quan tửu chánh, tức là quan dâng rượu cho vua. Hai vị quan nầy phạm luật vua nên bị giam tại đây.

Một đêm nọ, hai vị quan mới thấy chiêm bao. Giôsép bèn giải chiêm bao cho họ.

Trong chiêm bao, quan tửu chánh thấy trước mặt ông 1 gốc nho có 3 nhánh. Nhánh nho nẩy chồi, trổ bông và ra trái. Ông hái nho chín ép nước nho vào chén và dâng vào tay của Pharaôn. Giôsép giải chiêm bao đó rằng, 3 ngày nữa, vua sẽ thả quan ra và phục chức của quan. Giôsép cũng không quên nhờ quan khi nào được hưởng lộc thì tâu với vua về việc của Giôsép, để đem chàng ra khỏi ngục, vì chàng chẳng có tội gì phải bị giam cầm tại đây(40:9-15).

Quan làm bánh thì thấy quan đội 3 giỏ bánh trên đầu. Giỏ trên cùng có đủ món bánh ngon cho Pharaôn. Nhưng có chim đáp trên giỏ và ăn các bánh ngon đó. Giôsép bèn giải rằng, trong 3 ngày tới, vua sẽ xử trảm quan, và treo quan lên cây cho chim chóc ăn thịt (40:16-19).

Đúng 3 ngày sau, mọi việc xảy ra chính xác như lời giải chiêm bao của Giôsép. Nhưng quan tửu chánh quên mất Giôsép và lời dặn dò của chàng.

Hai năm sau, Pharaôn nằm ngủ thấy 2 điềm chiêm bao lạ trong một đêm. Sáng dậy, vua rất lo lắng và truyền gọi các pháp sư, và bác sĩ trong xứ đến giải nghĩa ý nghĩa của giấc chiêm bao, nhưng họ không giải nghĩa được (41:1-8).

Maquỷ có thể biết về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng hoàn toàn không biết gì xảy ra trong tương lai. Maquỷ chỉ có thể đoán được 1 số việc bằng cách dựa vào những nguyên nhân chắc chắn để xảy ra việc nào đó. Như trường hợp Samuên giả đoán đúng được thất bại và sự chết của vua Saulơ và các con trai của ông. Khả năng đoán nầy con người cũng có thể đoán được.

Các thầy pháp, thầy bói ở Việt Nam hay phán đại những việc xảy ra trong tương lại, cốt là để lấy tiền làm giàu. Việc sai hay đúng không hại đến họ, vì không ai tố cá, xử phạt về lời tuyên đoán của họ, nên họ cứ nói đại. Còn các pháp sư của Pharaôn thì không dám nói đại, vì nếu không xảy ra thì Pharaôn chắc sẽ xử trảm, nên vì không biết, nên họ nói không.

Bấy giờ, quan tửu chánh mới nhớ đến Giôsép, ông liền thưa với vua về Giôsép, về việc chàng đã giải nghĩa chính xác giấc mơ cho quan. Vua liền sai đòi Giôsép. Chàng liền được tha khỏi ngục, cạo mặt mày, thay áo quần rồi đền chầu vua. Vua nói rằng có nghe  Giôsép có khả năng bàn chiêm bao. Giôsép liền bảo rằng đó không phải là do ông, bèn là Đức Chúa Trời(41:16).

Vua kể cho Giôsép nghe giấc chiêm bao của mình. Giấc mơ thứ nhất, vua thấy có 7 con bò mập tốt từ sông lên ăn cỏ trên bờ. Rồi có 7 con bò gầy guộc, xấu chưa từng thấy trong xứ Aicập đi theo sau, rồi nuốt 7 con bò mập kia. Sau khi nuốt nhưng những con bò gầy xấu kia vẫn như xưa, giống như là không có nuốt gì hết (41:17-21).

Giấc thứ hai, vua thấy có 7 gié lúa chắc rất tốt tươi cùng mọc trên 1 cọng rạ. Rồi có 7 gié lúa khác khô, lép bị cháy sém cùng mọc trên cọng rạ đó. 7 gié lúa lép lại nuốt 7 gié lúa chắc. Giôsép nghe xong liền giải với Pharaôn rằng, Đức Chúa Trời mách bảo trước cho Pharaôn những việc mà Ngài sẽ làm.

7 Con bò béo mập và 7 gié lúa chắc tức là trong xứ Aicập sẽ có 7 năm được mùa trúng dư dật. 7 con bò gầy xấu và 7 gié lúa khô, lép chỉ về 7 năm đói kém. 7 năm đói kém sẽ xảy ra ngay sau 7 năm được mùa kết thúc (41:25-30).

Giôsép khuyên Pharaôn hãy chọn 1 người thông minh trí tuệ của xứ để làm đầu trong việc gieo trồng và gom góp lương thực trong 7 năm trúng mùa, để không thiếu đói cho vua và dân cả xứ trong 7 năm đói kém tiếp theo.

Pharaôn thấy Giôsép có Thần của Đức Chúa Trời, và ông tin rằng Đức Chúa Trời bày tỏ cho Giôsép biết được việc nầy, thì không còn ai thông minh, trí tuệ như Giôsép, nên Pharaôn lập Giôsép lên làm người cầm quyền tối cao của Aicập, quyền thế chàng chỉ sau vua mà thôi. Lúc nầy, Giôsép được 30 tuổi. Giôsép lấy nàng Áchnát làm vợ, và sanh cho Giôsép 2 người con, tên là Manase và Épraim (41:32-52).

7 năm được mùa, đất sanh lương thực đầy dẫy. Giôsép thâu góp hết lương thực trong 7 năm chứa đầy khắp các thành, đầy như cát bờ biển, vô số đếm xuể.

Khi 7 năm trúng mùa kết thúc, thì 7 năm đói kém xảy đến. Hết lương thực, dân Aicập và dân từ các miền xung quanh cũng tìm đến Giôsép để mua.

Gia đình Giacốp ở tại xứ Canaan cũng hết lương thực, Giacốp sai 10 người anh đi đến xứ Aicập để mua lương thực đem về nuôi cả gia đình gần 70 người. Và Giôsép đã nhận ra các anh mình, còn các anh thì không nhìn ra Giôsép (42:1-8).

Lần thứ hai đi đến nơi Giôsép để mua lúa, Giôsép đã tỏ mình ra cho các anh em biết mình là Giôsép. Chàng đã ôm các anh em mình và khóc rất nhiều khi gặp được họ. Giôsép sai các anh về báo với cha rằng chàng vẫn còn sống, và đang cai trị Aicập. Giôsép cũng sai người về quê đem cha và mọi người trong gia đình và sản vật di cư đến xứ Aicập tại vùng Gôsen, vùng đất màu mỡ nhất của Aicập để lập nghiệp, và để được Giôsép cung cấp lương thực ăn trong những năm thất mùa.

Giacốp vui sướng khi gặp lại con mình là Giôsép. Hai người ôm choàng lấy nhau và khóc rất lâu (46:29). 17 năm sau ngày hội ngộ cha con tại Aicập, Giacốp già yếu và qua đời vào tuổi 147(47:28). Trước khi qua đời, Giacốp chúc phước cho 12 người con và 2 cháu của mình là con của Giôsép. Khi qua đời, Giôsép cùng người nhà và nhiều người Êdíptô đưa xác Giacốp về chôn tại xứ Canaan, tại hang đá của đồng bằng Mặcbêla(50:12-13), như lời Giacốp nguyện ước.

Đúng như Giôsép nói với các anh mình. Họ đã toan làm hại Giôsép, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm ích cho chàng. Họ bán Giôsép làm nô lệ, nhưng Đức Chúa Trời khiến Giôsép trở thành người quản lý cả nhà Phôtipha. Anh bị nhốt tù, nhưng Đức Chúa Trời khiến anh trở thành người kiểm soát nhà tù, rồi gặp các thượng quan mà giải chiêm bao cho họ. Nhờ giải chiêm bao chính xác, Đức Chúa Trời khiến chàng trở thành người giải chiêm bao cho Pharaôn rồi trở thành tể tướng xứ Aicập.

Nhờ làm tể tướng Aicập, nên xứ dân xứ Aicập và các vùng lân bang, trong đó có gia đình Giacốp mới có thể sống sót qua nạn đói thảm khốc 7 năm.

Nên đúng như Giôsép nói, Đức Chúa Trời đã sai anh đến Aicập để gìn giữ mạng sống của dân sự Ysơraên đông đảo thời đó.

Con người có thể làm hại chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời thì không. Maquỷ luôn cướp phá và hủy diệt, nhưng Ngài là Đấng giải cứu, đem đến cho chúng ta hạnh phúc và sự sống sung mãn, dư dật (Giăng 10:10).

Có những tai họa đến với chúng ta từ con người, công việc, bản thân chúng ta, và từ nhiều lý do khác. Nhưng khi chúng ta đến với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ khiến chúng trở nên ích lợi cho chúng ta và nhiều người khác, như trường hợp của Giôsép.

Chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic người Úc đã từng oán trách Đức Chúa Trời về thân thể của anh. Cha mẹ anh cũng dường như tuyệt vọng mỗi lần nhìn anh sau khi sanh. Nhưng vì anh tin Đức Chúa Trời, Ngài đã khiến anh trở người của thời đại. Nếu anh có tay chân bình thường, có thể lắm anh không thành công như hôm nay. Chẳng những anh sống rất hạnh phúc, làm được nhiều điều tốt lành mà nhiều người có thân thể lành mạnh không thể làm được. Anh đã đi đến 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam yêu dấu của chúng ta, để nói về tình thương, đức tin, nghị lực, sức mạnh và hạnh phúc có nơi Đức Chúa Trời cho hàng trăm triệu người, và hàng tỷ người xúc động trái tim về những gì anh nói và anh làm. Có rất nhiều người tìm đến với Đức Chúa Trời qua cuộc đời phi thường của Nick, vì anh tin Đức Chúa Trời, và Ngài dùng anh.

Có rất nhiều anh chị em đã chạy đến với Chúa, nhận được sự cứu rỗi và hạnh phúc hôm nay, vì những tai họa đến với anh em lúc trước. Không phải tai họa đến từ Đức Chúa Trời, nhưng Ngài biến tai họa đó trở nên có ích cho chúng ta. Đức Chúa Trời thật là Chúa yêu thương và quyền năng.

3. Sống phó thác cuộc đời cho Chúa sẽ sinh ra lòng yêu thương lớn lao với mọi người (21).

Giôsép chẳng những không báo thù các anh, nhưng ngược lại, chàng còn cung cấp thêm lương thực cho các anh em và con cháu của họ nữa, dầu 7 năm đói kém đã đi qua.

Dù có quyền thế, nhưng Giôsép luôn an ủi các anh và lấy lời nói êm dịu mà nói cùng họ, để họ không còn đau buồn về qua khứ, không làm rách thêm tâm hồn đã đau khổ của họ. Giôsép không có một lời oán trách nào đối với họ cả, nhưng sống trọn tình nghĩa anh em cho đến khi qua đời. Vì Giôsép kính sợ Chúa và có trái tim yêu thương, nhân ái của Ngài.

Lời kết

Đức Chúa Trời muốn chúng ta kính sợ Chúa và phó thác cuộc đời mình cho Ngài hướng dẫn và sử dụng như Giôsép. Đức Chúa Trời muốn chúng ta không oán trách về cuộc đời của mình khi gặp nhiều thử thách, gian truân mà không phải do chúng ta gây ra. Vì Đức Chúa Trời luôn có chương trình tuyệt diệu cho cuộc đời mỗi chúng ta. Ban đầu có thể nhìn như cay đắng, như kết cuộc nó là ngọt ngào, miễn là chúng ta biết tin cậy Chúa trong mọi sự.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết rằng, Ngài là Đấng có thể biến những tai nạn xảy ra trong cuộc đời chúng ta trở thành những điều vui mừng và ích lợi lớn lao, nên chúng ta cần trông cậy Ngài.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta có lòng thương xót, đặc biệt là lòng tha thứ và cứu giúp đối với mọi người, nhất là với người thân trong gia đình, và người cùng đức tin. Ngài cũng muốn chúng ta có lối sống và lời nói an ủi, êm dịu đối với người khác, dù người đó từng có lỗi với mình./.